|
Virút biến đổi khó lường
Báo cáo tại cuộc họp, quyền cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm thừa nhận virút cúm gia cầm đã, đang biến đổi hết sức khó lường. Cụ thể, từ khi có dịch (cuối năm 2003) đến nay virút cúm luôn biến đổi. Nếu chủng cúm “nhánh 1” (C1, do các tổ chức quốc tế phân loại) xuất hiện chủ yếu tại VN từ năm 2003-2010, thì từ năm 2007 xuất hiện thêm virút nhánh C2.3.4. Đến năm 2009-2011 tại VN xuất hiện thêm virút nhánh C2.3.2 và không dừng lại, riêng nhánh C2.3.2 biến đổi thêm thành nhánh phụ A và B, trong đó nhóm A có độc lực mạnh gấp ba lần nhóm B. Nói cách khác, chủng cúm sau thường biến đổi thêm những chủng mới, độc lực mạnh hơn, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn các chủng cúm xuất hiện trước.
Theo đại diện Bộ Y tế, từ năm 2003-2011 cả nước có 121 trường hợp người mắc cúm gia cầm, trong đó 61 người tử vong (trên 50%), thì chỉ trong tháng 1-2012 có hai trường hợp nhiễm cúm đã tử vong (100%). Điều này cho thấy virút cúm gia cầm đã biến đổi khó lường, có độc lực cao hơn.
|
WHO: giữ bí mật kết quả nghiên cứu virút tử thần Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa yêu cầu tạm thời không công bố hai kết quả nghiên cứu cho thấy cách thức các nhà khoa học Hà Lan và Mỹ đã biến đổi virút cúm gia cầm H5N1 thành một loại virút biến thể có thể gây ra dịch bệnh chết người. Theo WHO, những kết quả này chỉ được công khai sau khi các chuyên gia đánh giá đầy đủ nguy cơ. Các nhà khoa học đã ký một thỏa thuận khung về việc giữ bí mật các chi tiết nghiên cứu này đến khi các nguy cơ được phân tích sâu hơn. “Có sự ưu tiên nhìn từ quan điểm y tế cộng đồng về việc công bố toàn bộ thông tin hai nghiên cứu này. Song trước tiên cần giải quyết những mối quan ngại lớn của công chúng xung quanh nghiên cứu này” - Reuters dẫn lời phó tổng giám đốc WHO Keiji Fukuda cho biết. Giới chuyên gia an ninh sinh học quan ngại loại “virút tử thần” này nếu rơi vào tay kẻ xấu hay thoát khỏi phòng thí nghiệm có thể sẽ gây ra hậu quả khôn lường là một đại dịch còn lớn hơn cả dịch cúm Tây Ban Nha hồi năm 1918-1919 làm chết 40 triệu người. |
Theo ông Hoàng Văn Năm, những năm trước ta sử dụng văcxin H5N1-Re 5 tiêm phòng cho đàn gia cầm. Năm 2011 cúm gia cầm được khống chế, hơn nữa do virút đã biến đổi nên Nhà nước đã ngừng tiêm phòng H5N1-Re 5 ở miền Bắc, chỉ thực hiện tiêm phòng ở miền Nam vì loại văcxin này vẫn phù hợp phòng chống loại chủng virút ở đây.
Từ khi xuất hiện thêm chủng virút cúm mới (C2.3.2 nhóm A và nhóm B) thì chưa hề có văcxin thích hợp. Chủng virút này cũng xuất hiện ở Trung Quốc và nước này đã nghiên cứu loại văcxin H5N1-Re 6, nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì chính quyền nước này vẫn chưa cấp phép sản xuất, tiêm phòng cho đàn gia cầm. Do không có văcxin thích hợp, nên cả Trung Quốc và VN phải chấp nhận sử dụng văcxin H5N1-Re 5 tiêm phòng dù hiệu quả phòng chống không cao.
Trước tình hình vô cùng cấp bách, sau khi nghe ý kiến các thành viên ban chỉ đạo, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận dịch phát triển có dấu hiệu chậm lại nhưng vẫn phải chủ động để chấm dứt dịch bằng mọi biện pháp có thể. Biện pháp quan trọng nhất ngay lúc này là từ trung ương đến địa phương cần phải triển khai ngay các biện pháp đồng bộ cộng với tiêm phòng ngay cho đàn gia cầm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Thú y tiếp tục duy trì hoạt động của bảy đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát và đốc thúc công tác chống dịch ở các địa phương. Bộ trưởng ủng hộ và đồng tình biện pháp tiếp tục tiêm phòng văcxin H5N1-Re 5 tại các địa phương có dịch và có nguy cơ. Trước mắt, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để gấp rút mua 50 triệu liều văcxin H5N1-Re 5...
Thanh Hóa tiêu hủy gần 9.000 gia cầm Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết đến cuối ngày 18-2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại hàng chục hộ gia đình ở các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Thạch Thành, Tĩnh Gia, Đông Sơn và thị xã Bỉm Sơn. Các địa phương đã tiêu hủy 8.887 con gia cầm (gà, ngan, vịt) trong vùng dịch bệnh. Còn Chi cục Thú y Kon Tum cho biết 500 con gà của gia đình ông Trần Văn Giao (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) vừa bị chết hàng loạt. Khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã lấy mẫu và tiêu hủy toàn bộ số gia cầm này, tổ chức tiêu độc khử trùng và xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây chết. |