Cùng chiêm ngưỡng bút tích của các hoàng đế triều Nguyễn trong lịch sử
Thứ Sáu, 03/01/2020 14:35 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) Với trên 100 phiên bản châu phê, triển lãm "Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn" giới thiệu tới công chúng những nét độc đáo, tinh hoa nhất từ bút tích của đích thân các vua nhà Nguyễn trên châu bản.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức tọa đàm khoa học "Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Triển lãm khai mạc vào sáng nay 3/1 tại Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia I (số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) . Đây là sự kiện kỷ niệm 100 năm kết thúc khóa thi Nho học cuối cùng (1919 - 2019) và chào mừng Ngày Lưu trữ Việt Nam 3/1.
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính, chủ yếu được viết tay trên giấy dó bằng chữ Hán Nôm, trên văn bản hiện còn lưu bút tích phê duyệt bằng mực son của 10 vị hoàng đế nhà Nguyễn. Họ phê duyệt trực tiếp trên Châu bản bằng mực son với nhiều hình thức phong phú như: Châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải... Mặc dù không chủ tâm thể hiện chữ viết theo lối thư pháp nhưng châu phê của các Hoàng đế trên châu bản đã phần nào thể hiện kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ rất cao.
Theo các nhà nghiên cứu, bút son trên châu bản triều Nguyễn không chỉ đơn thuần ẩn chứa những giá trị nghệ thuật đặc sắc, mà nội dung còn thể hiện vai trò quyền lực của người đứng đầu đất nước với những quan điểm về cách trị quốc, an dân khác nhau của mỗi vị Hoàng đế. Giai đoạn triều Nguyễn còn là một vương triều độc lập (1802-1884), nội dung phê duyệt của các hoàng đế trên châu bản thể hiện ý chí, quyền lực của người đứng đầu đối với mọi vấn đề của quốc gia.
Dưới đây là một số châu bản nổi bật trong số hơn 100 phiên bản tại triển lãm.