Nói tới lịch sử mỹ thuật Việt Nam đề tài rồng thiêng, ngoài rồng chạm khắc trang trí nội thất nơi bình phong, sập gụ, tủ chè trong những mái ấm gia đình; ngoài rồng kiến trúc trên các mái đình, đền… chúng ta đừng quên rồng xanh nhà vườn Nam Bộ.
1. Người Nam bộ gọi việc làm đẹp một mâm trái cây - việc bày ngũ quả, như người Trung Bộ, Bắc Bộ vẫn làm - là "chưng chế". Từ khóa này giúp người yêu vườn tược, cây trái hiểu ra: khi còn bận "mở đất", Tết đến, những kẻ hành phương Nam nhớ quê cha đất tổ thì chạy ra vườn mới lập, hái vội năm trái bản địa trời cho: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài rồi bày mâm lễ theo hướng "Nôm hoá" chữ nghĩa, không ngũ sắc, ngũ hành, ngũ phúc, ngũ cung, ngũ tài tử… gì nữa, chỉ đơn giản "chưng" ra tâm nguyện cầu sung, vừa đủ xài của mình.
Nhưng tới khi đã có của ăn của để rồi, đã "phú quý sinh lễ nghĩa" tạo ra nền văn minh miệt vườn cho mình, thì những nghệ nhân Nam Bộ lại rất chữ nghĩa khi "chế" thêm hình vào chữ, cầu kì tạo dáng, xếp trái cây thành hình tượng. Và nghệ thuật chưng chế ra đời.
Qua tay những nghệ nhân "chưng chế", những cà ớt, dừa dứa được nâng cấp, được lên đời thành tứ quý "long - ly - quy - phụng" để cái ăn thăng hoa thành cái đẹp. Họ còn biết tra sách, đặt tên riêng cho từng mâm ngũ quả như đặt tên các tác phẩm hội hoạ độc bản. Nào là Song long nghênh nhật, Long phụng hoà minh, Song long hí cầu, Song long giáo tử.
Nào ta hãy thử "tách màu" con rồng dài gần 10 mét, vòng thân lớn cỡ bốn năm tấc trong mâm trái cây khổng lồ của nghệ nhân Nguyễn Văn Tấn, tác phẩm chưng chế chiếm giải nhất lễ hội trái cây tết Đoan Ngọ 1998 ở công viên Đầm Sen TP.HCM. Ta sẽ thấy: Thân rồng ghép bằng hàng nghìn trái cau kiểng, mỗi trái cau là một vảy rồng. Màu trái cau chín tạo cho toàn thân rồng lấp lánh ánh vàng, như phản chiếu ánh đuốc thiêng tạo bằng hàng trăm trái ớt đỏ. Lửa ớt còn làm ánh lên sắc răng trắng ngọc "long nha" (các tép tỏi đã lột vỏ), màu mắt biếc "long nhãn" (trái cà tím được đậu đũa viền mi)… Tác phẩm hoành tráng gợi nhớ về thần tích Lạc Long Quân, kết từ hằng trăm, hàng nghìn "trứng" cau!
Chỉ nghe tên gọi nặng tính giáo huấn, hướng thiện Long phụng hoà minh, Song long giáo tử có thể nói ngay rằng, người Nam Bộ biết điều cây vườn vào việc đèn sách, lấy cái ngon tươi ăn được mà thực hiện công việc nghiêm túc văn dĩ tải đạo, và vì thế, mỗi mâm ngũ quả đã là một sản phẩm văn hóa, để người ta nhìn ngắm và hấp thụ từ đấy thứ "vitamin tinh thần". Mỗi mâm cây trái là một mâm thơ:
CẦU cho năm rộng tháng dài
Cây SUNG chín đỏ những ngày lo toan
Cơm DỪA vừa ĐỦ chén ngón
XOÀI đeo lủng liểng hột xoàn tai cây
Gọi cho đúng hơn thì thú chơi ngũ quả của người Nam Bộ chính là văn hóa nông nhàn, là sinh hoạt tinh thần sau những vụ bội thu trái cây và vào lúc việc đồng áng đang thư thả.
Và nếu chịu chơi, chơi cho sành điệu, thì thú bày ngũ quả có khả năng mở thêm đầu ra cho sản phẩm trái cây. Đất Nam Bộ xanh mướt và ngồn ngộn cây trái, cần những họat động lấy trái cây làm trung tâm để tìm hiểu, bảo tồn, tôn vinh, nâng cấp và lưu thông phân phối thứ nông phẩm này.
2. Trong lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra vào năm 2000, ngay bờ Hồ Gươm, Hà Nội trước khách sạn Phú Gia, nghệ nhân Nguyễn Văn Dùm người TP.HCM đã bày một con rồng bay lên từ… 700 kg trái cây Nam bộ.
Cũng vào năm 2000 tại Công viên văn hóa Đầm Sen (TP.HCM) cổng vào lễ hội Hương sắc miền Nam có hai con rồng chầu, thân mỗi con kết bằng hàng nghìn trái dừa xiêm!
Thử hình dung, nếu dừa đang dội chợ, và cần dừa để kết một bầy rồng như thế thì cũng nhẹ gánh dư thừa cho nhà vườn, cũng tạo thêm công ăn việc làm cho một thứ trái hiền lành, ngọt mát, đang có cơ thất dụng. Cũng là một "giải cứu" như đã từng giải cứu trái Thanh Long, để có món mì và bài hát "Mì thanh long" vang vang trước những ngày Tết năm Rồng 2024.
Vào Tết Nhâm Thìn 2012, rực rỡ nhất trong các chợ hoa của TP.HCM là những con kim long (rồng vàng) kết bằng những trái nhũ dương (vú dê) vàng rực (và không ăn được!). Nếu không có thú chơi ngũ quả kiểu Nam Bộ thì thứ trái hữu sắc vô thực kia làm sao thoát kiếp cây dại vườn hoang!
Từ góc nhìn này có thể nói, nghệ thuật "chưng chế" chẳng những mở thêm một sân chơi cho người nông dân mà còn có thể mở cửa giao lưu với thế giới. Chúng ta đã nghe nói tới các hội cam, hội chuối, hội cà chua… ở các nước Âu - Mỹ, sao không mạnh dạn mở hội ngũ quả Nam Bộ! Đó sẽ là nông hội quảng bá đặc sản nhà vườn, là mỹ hội giới thiệu với bạn bè từ xa đến, thứ nghệ thuật xắp đặt dân gian (Folk installation) từ chất liệu tươi sống.
3. Ở Bến Tre có hợp tác xã Cái Mơn chuyên sản xuất cây giống - hoa kiểng thuốc ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Một hợp tác xã thành lập từ 1996 và năm 2023 vừa rồi đã đưa ra thị trường 12 triệu cây giống và 6 triệu cây kiểng. Có nhà vườn trong hơp tác xã doanh thu hằng năm lên tới 5-7 tỷ đồng!
Hỏi ông Dương Văn Huyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã, chuyện người nông dân Cái Mơn xuất khẩu "công nghệ chứng chế" sang Đài Loan (Trung Quốc). Ông Huyền kể: "Năm 2002, nhân du lịch tới Bến Tre, chủ một trang trại xứ Đài tìm đến nhà vườn của nghệ nhân tên Liêm, và đã hợp đồng mua hàng với số lượng lớn, mỗi chuyến từ 10.000 tới 15.000 con thú kiểng - những cây kiểng hình thú mà bộ rễ ăn đất sông Tiền, sông Hậu để xanh mướt quanh năm. Rồi ông chủ nhà vườn Đài Loan muốn lợi nhuận cao hơn đã nhờ ông Liêm tuyển một số thợ vườn Cái Mơn sang Đài Loan, trồng kiểng thú cho họ - những con nai xanh, con rồng xanh… mọc lên từ cây bùm sụm, cây mai chiếu thủy, cây si, cây tắc …
Sang xứ người, đoàn chuyên gia "chưng chế" Việt Nam mới biết, những con thú kiểng xuất khẩu từ Cái Mơn sang tới Đài Loan giá tăng 10 lần, 20 lần, thậm chí cả trăm lần! "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", những con rồng xanh Cái Mơn đã biết cách bay sang Singapore, sang Nhật, sang Mỹ…
4. Trước kia, hầu như nhà vườn Nam Bộ chỉ làm nai kiểng. Con vật hiền lành này tên chữ là "lộc". Trồng một bụi cây xanh hình nai, như trồng cây lộc, con lộc trong nhà. Nai gọn nhỏ, đường nét đơn giản.
Chưa thỏa tay nghề, các nghệ nhân chuyển qua làm rồng với các thế long trụ, long giáng, nói nôm na là rồng đứng, rồng nằm. Rồng đứng, lại được bẻ đuôi cá để kể tích "cá hóa rồng". Rồng nằm, cùng lúc làm hai con đối xứng, bày hai bên non bộ, tạo thế "lưỡng long tranh châu".
Để có kiểng thú hình rồng, các nhánh mai chiếu thủy vốn mềm và vươn rất dài được đan khéo léo vào vào một khung xương có dáng rồng uốn khúc làm bằng dây thép loại nhỏ. Lá mai xanh lên sẽ che kín khung xương này. Tiếng nhà nghề, dùng dây thép tạo dáng thú như thế gọi là "bẻ". Sau bẻ là "hớt", nghệ nhân dùng kéo hớt lá kĩ lưỡng như tạo mốt thời trang tóc. Sau cùng tới điểm trang, thêm mắt châu, răng ngọc cho rồng.
Tay nghề mỗi ngày một cao, bây giờ, tuần tự thời gian 12 con giáp, con nào nhà vườn cũng làm được. Tết Giáp Thìn 2024, ở đường hoa Nguyễn Huệ, TP.HCM, đôi rồng xanh chầu hoa sen - "lưỡng long triều liên" - kết bằng mây, tre mỗi linh vật có 5 đoạn thân uốn lượn dọc hai bên đường hoa với độ dài hơn 100m!
Các nghệ nhân "chưng chế" tạo ra những tác phẩm độc đáo có sự chuyển điệu màu sắc. Đang mơn mởn xanh lúc vào Xuân, vẫn lá ấy lại xanh biếc khi mùa Xuân chín, chuyển dần sang Hè. Xanh mơn, xanh biếc kia sẽ lại biến điệu khi trên nền xanh lá bỗng lốm đốm hoa trắng hay li ti trái đỏ điểm xuyết. Và thật bất ngờ, đó còn là thứ hội họa thơm, khi hoa, khi trái trên mình những tác phẩm điêu khắc xanh kia, đưa hương thơm tới người thưởng ngoạn.
Tags