- Thể thao Việt Nam giành tấm vé thứ 12 dự Olympic Paris 2024, với chiến tích từ môn bắn cung
- Thua Brazil, bắn cung Việt Nam trượt suất dự Olympic 2024 đồng đội nam, đặt hy vọng vào các nội dung cá nhân
- Bắn cung tìm suất dự Olympic 2024: Khởi đầu thuận lợi
- ‘Kiều nữ 10X Mông Cổ’ giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, là tài năng trẻ triển vọng hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam
Tấm vé dự Olympic 2024 đánh dấu cột mốc mới trong sự nghiệp của cung thủ Lê Quốc Phong, nhà vô địch quốc gia nhưng chưa tạo được dấu ấn trên đấu trường quốc tế.
Chiến thắng của Lê Quốc Phong trước Ram Krishna Saha (Bangladesh) với tỷ số 6-2 ở vòng tứ kết World Cup diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, đã đưa cung thủ Vĩnh Long tới Paris vào mùa hè năm nay.
"Tôi thực sự mong chờ cuộc thi đấu tại Olympic 2024", Lê Quốc Phong chia sẻ sau trận đấu và được World Achery dẫn lời trong bài viết chúc mừng 4 cung thủ đến từ Việt Nam, Cuba, Uzbekistan và CH Czech vừa giành vé dự Thế vận hội.
Lê Quốc Phong trưởng thành từ phong trào tại Vĩnh Long, là một trong những gương mặt tiềm năng của của bắn cung Việt Nam hiện tại. Cung thủ 24 tuổi vừa trải qua mùa giải thành công ở đấu trường quốc nội, với giải VĐQG 2023 và giải cung thủ xuất sắc đầu năm 2024.
Tại vòng loại Olympic 2024, Lê Quốc Phong từng xếp hạng 4 nội dung cá nhân nam cung 1 dây tại World Cup 2024 diễn ra từ ngày 21 đến 26/5 tại Yechon, Hàn Quốc, và lỡ cơ hội giành vé dự Olympic ở sự kiện này.
Phải chờ đến giải đấu cuối cùng tại Thổ Nhĩ Kỳ, ước mơ giành vé dự Thế vận hội của Lê Quốc Phong mới thành hiện thực khi 4 cung thủ dẫn đầu nội dung cá nhân nam được trao suất chính thức.
"Thành tích của Quốc Phong mang đến niềm vui rất lớn cho giới chuyên môn. Ngoài nỗ lực của VĐV trong thi đấu, kết quả này phản ánh hiệu quả của quá trình đầu tư của ngành thể thao về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, tập huấn và thi đấu quốc tế ở môn bắn cung", ông Phan Trọng Quân, Phụ trách bộ môn Bắn cung - Cục TDTT, cho biết.
So với kỳ Olympic gần đây nhất, số lượng vé chính thức mà các cung thủ Việt Nam giành được có sự giảm sút. Cách đây 3 năm, ĐTQG bắn cung có 2 đại diện là Phi Vũ và Ánh Nguyệt giành quyền tới Tokyo.
Đến Olympic 2024, bắn cung Việt Nam chỉ có duy nhất 1 đại diện, ngoài ra, thành tích thi đấu quốc tế của ĐTQG tại kỳ SEA Games gần nhất cũng có sự sụt giảm. Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh ngay trong khu vực hoặc châu lục là rất lớn.
"Bắn cung Việt Nam phát triển sau một số quốc gia trong khu vực và gặp sự cạnh tranh rất lớn ở châu Á hay thế giới. Trình độ các đối thủ ngày một được cải thiện, trong khi chúng ta vẫn có những khó khăn, vì thế, thành tích mà Quốc Phong giành được rất đáng khen ngợi", vẫn theo lời ông Quân.
Trở về Việt Nam sau giải đấu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Quốc Phong tiếp tục tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội cùng với chuyên gia Park Chae Soon (Hàn Quốc) để hoàn thiện chuyên môn. Giành vé dự Olympic là vinh dự rất lớn và đòi hỏi cung thủ đang xếp hạng 70 thế giới phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc thi đấu tại Paris.
Đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã có 12 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024, bao gồm Lê Quốc Phong (bắn cung), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông); Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh (Boxing); Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Văn Vinh (cử tạ); Nguyễn Thị Hương (Canoeing) và Phạm Thị Huệ (Rowing), đạt mục tiêu tối thiểu giành từ 12 tới 15 suất dự Olympic.
Tags