'Cuộc chiến' bảo vệ lòng sông ở Hà Nội: Bài 2 - Quyết liệt vào cuộc

Thứ Ba, 04/04/2017 13:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tài nguyên bị thất thoát, môi trường các dòng sông bị hủy hoại, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở. Đó là những hậu quả do hoạt động khai thác cát trái phép gây ra. Mặc dù việc khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Nội cơ bản được ngăn chặn, tuy nhiên theo ghi nhận tại một số địa bàn giáp ranh, nguy cơ tái bùng phát nạn khai thác cát trái phép vẫn còn hiện hữu nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành.

Vẫn còn nguy cơ tái diễn

Xã Hồng Vân huyện Thường Tín, Hà Nội có hơn 3 km sông Hồng chảy qua. Là địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Hưng Yên và Hà Nội nên những năm trước đoạn sông Hồng qua Hồng Vân là điểm nóng của nạn khai thác cát trái phép. Có thời điểm, đoạn sông này lúc nào cũng ngầu đục, ầm ĩ tiếng động cơ của nhiều máy bơm hút. Đã có những mâu thuẫn xảy ra do tranh giành lãnh địa khai thác cát, khiến tình hình an ninh trật tự địa bàn giáp ranh thêm phức tạp. Năm 2014, lúc đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn là Phó Thủ tướng đã về "mục sở thị" khu vực khai thác cát ở khúc sông giáp ranh giữa 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nội và đã có những chỉ đạo dẹp “cát tặc”.

Hiện nay khúc sông này đã yên ả không còn nạn khai thác cát trái phép. Nhưng theo một số người dân ở Hồng Vân, nguy cơ tái diễn nạn khai thác cát trái phép vẫn còn. Bởi hiện nay, khu vực này có nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng. Chỉ cần tầu hút cắm vòi xuống sông là có thể tuồn cát vào các bãi tập kết.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, Nguyễn Văn Ngần cho biết, trước kia khi “cát tặc” hoành hành, chính quyền đã nhiều lần kết hợp với lực lượng liên quan tổ chức vây bắt. "Nhưng đó là có sự kết hợp nhưng còn trường hợp chính quyền xã tự đứng ra để tổ chức bắt giữ thì bị thiếu lực lượng cũng như phương tiện, chỉ xua đuổi cát tặc, nên hiệu quả không cao", Phó Chủ tịch xã Hồng Vân nói.


Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Không chỉ có xã Hồng Vân mà nhiều địa phương khác của Hà Nội khi phát hiện "cát tặc" chỉ biết báo cáo cấp trên vì thiếu lực lượng, phương tiện để xử lý hoặc có xử lý thu giữ phương tiện cũng khó có kinh phí để trông nom, bảo vệ tang vật bắt giữ. Có lẽ vì điều này khiến cho việc đấu tranh với nạn khai thác cát khó khăn hơn.

Hay như đầu năm 2017, nhiều người dân xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì cũng phản ánh việc lợi dụng tình trạng nạo vét luồng thuỷ có khai thác tận thu cát nhiều tầu hút không phép của tư nhân cũng trà trộn ồ ạt hút cát tại sông Hồng đoạn qua địa phương dẫn đến mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận. Chỉ đến khi thành phố Hà Nội yêu cầu kiểm tra, lực lượng chức năng mới bắt giữ tàu số hiệu HN - 0279 đang hút cát trái phép thì khu vực này mới tạm yên ắng.

Đáng chú ý, Công ty nạo vét luồng đường thuỷ trên địa bàn xã Vạn Phúc không thông báo cho chính quyền địa phương và người dân biết, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện như không cắm biển báo, phao mốc giới, không công bố số lượng, biển hiệu tàu tham gia nạo vét…

Mới đây nhất, ngày 30/3, Công an thành phố Hà Nội đã bắt một loạt tàu hút cát cùng khối lượng cát lớn do đơn vị đang khai thác tại huyện Ba Vì, bất chấp quy định của Chính Phủ về dừng mọi hoạt động khai thác. Qua đây cho thấy, xuất phát từ lợi ích cũng như coi thường pháp luật, “cát tặc” có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào nếu chính quyền lơi lỏng.

Truy trách nhiệm, chặn nguy cơ

Quan ngại trước sự hoành hành của "cát tặc", mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương. Trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” đến ngày 1/6. Bộ cần xem xét khởi tố một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”, tiếp tay, bao che, dung túng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật...Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn để bù chi phí nạo vét, duy tu các tuyến luồng đường thủy.

Những chỉ đạo trên hoàn toàn phù hợp với mong muốn của địa phương. Huyện Phúc Thọ cũng đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về xem xét lại việc triển khai các dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm, cần thiết phải điều chỉnh luồng đoạn này về phía bờ tả để đảm bảo an toàn tuyến kè trên địa bàn huyện.

Lý do của địa phương đưa ra là ngoài việc ngăn chặn hành vi trà trộn hút cát lòng sông còn để tránh gây sạt lở hệ thống đê kè trước mùa mưa bão đến. Bởi thực tế hiện nay, luồng nạo vét này đang đi sát với các mỏ cách chân kè từ 50 - 70m, nạo vét như vậy sẽ gây sạt lở hệ thống kè tại các xã Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc.

'Cuộc chiến' bảo vệ lòng sông ở Hà Nội: Bài 1 - 'Toạ độ chết'

'Cuộc chiến' bảo vệ lòng sông ở Hà Nội: Bài 1 - 'Toạ độ chết'

Coi thường pháp luật, thách thức chính quyền, tận thu tài nguyên để trục lợi, đó là những biểu hiện thường thấy của vấn nạn 'cát tặc' - một vấn đề hết sức nóng bỏng ở nhiều địa phương.


Trên địa bàn Hà Nội hiện có 15 tuyến sông, trong đó, có 7 tuyến sông có hoạt động khai thác cát, nạo vét cát lòng sông. Do nhu cầu và lợi nhuận lớn nên tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, nhiều địa phương ở Hà Nội đã kiến nghị Công an thành phố bổ sung biên chế, đặc biệt là lực lượng cảnh sát môi trường cho các tuyến đường sông; tăng cường tổ chức tuần tra, mật phục, cắm chốt trên sông để kịp thời phát hiện và giải quyết triệt để tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên sông Hồng.

Mặt khác, thành phố cần sớm xây dựng địa điểm trông giữ phương tiện tuần tra; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Khẳng định quyết tâm trong cuộc chiến với "cát tặc", lãnh đạo thành phố Hà Nội đã mạnh mẽ yêu cầu các cơ quan liên quan công bố công khai các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát lòng sông; trên cơ sở đó, không cho phép các đơn vị vi phạm tham gia đấu thầu các dự án khai thác cát, sỏi trên địa bàn.

Đối với những khó khăn, bất cập trên, Công an thành phố Hà Nội đã có công văn đề nghị Công an các tỉnh lân cận thiết lập đường dây nóng, công khai tại địa bàn giáp ranh để người dân kịp thời thông báo về các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Cuối năm 2016, Công an Hà Nội đã ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trên lĩnh vực đường thủy nội địa với công an 8 tỉnh có địa bàn giáp ranh gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Theo đó, một trong các nội dung phối hợp là xử lý tiêu cực trong việc cấp phép và khai thác cát, sỏi cũng như tài nguyên khoáng sản.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu khai thác theo quy hoạch để tăng nguồn thu, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên quốc gia này. Cách làm trên cho thấy Hà Nội đang quyết tâm mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép.

TTXVN/Minh Nghĩa - Mạnh Khánh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›