Cuộc đời chìm nổi của Nữ hoàng nhạc blues Bessie Smith

Chủ nhật, 16/08/2015 18:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim tiểu sử về Nữ hoàng nhạc blues Bessie Smith vừa được phát sóng trên Sky Atlantic. Qua đây, nhiều người hâm mộ hiểu được tại sao một ca sĩ nghiện rượu nặng như bà vẫn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ đàn em.

Smith thu hút người nghe một cách tự nhiên. Điều này chẳng có gì lạ bởi bà là một thiên tài trong dòng nhạc của mình, là nữ ca sĩ blues vĩ đại nhất.

Cá tính đầy rắc rối và nền tảng văn hóa đúc kết bà trở thành người như vậy đã được nêu rõ trong phim, với vai chính do nữ ca sĩ, diễn viên Queen Latifah thể hiện.

Từ cô bé hát rong thành giọng ca sáng chói

Một trong những yếu tố khiến Smith chinh phục được người nghe là bà hiểu bất cứ những gì mình hát. Nếu bạn sinh ra trong một gia đình người da màu nghèo khó ở miền nam nước Mỹ như Smith (sinh năm 1894), bạn sẽ hiểu được về nạn phân biệt chủng tộc, tình trạng nghiện rượu và sự vắng mặt của những người đàn ông trong gia đình.

Mẹ của Smith phải giặt thuê để kiếm tiền nuôi con sau khi chồng qua đời, còn ngay từ khi nhỏ Smith đã trình diễn trên các đường phố cùng anh trai để kiếm thêm vài đồng xu đỡ mẹ.

Tuy nhiên, Smith đã gặp may mắn bởi khi bà trưởng thành, nền văn hóa đại chúng đã có những sự thay đổi lớn, các nghệ sĩ da màu có thể khoe mình mà không cần phải giấu giếm và hát về những trải nghiệm thực.


Huyền thoại dòng blues Bessie Smith

Năm 1912, Smith gia nhập Công ty Moses Stokes Vaudeville. Lối trình diễn đầy hấp lực cùng giọng ca vang lảnh của Smith nhanh chóng chinh phục được khán giả. Khi trình diễn tại Nhà hát 81 ở Alabama, bà được trả 10 USD/tuần, chưa kể những đồng tiền được tung lên sân khấu.

Tuy nhiên, khi tung ra bản thu âm đầu tiên, Smith mới thực sự có được lượng khán giả đông đảo. Có thời điểm Smith kiếm được tới 1.500 USD/tuần trong mùa diễn ở Detroit.

Sau đó, Smith đã trở thành một “nhân tố” trong xã hội cafe ở Harlem, một phần nhờ vào sự quảng bá mạnh mẽ từ Carl van Vechten, một cây bút của Vanity Fair. Bà quan hệ với những nhân vật hàng đầu của trào lưu Phục hưng Harlem, như Langston Hughes.

Song đáng buồn là sau này Smith đã rơi vào một cuộc sống đầy bão tố. Bà công khai mình là người lưỡng tính và liên tục có những cuộc cãi vã om sòm với chồng là Jack Gee về tiền bạc.

Gee là một trong những người buôn rượu lậu. Sau khi lấy nhau, Gee trở thành “cái nợ đời” của Smith, đánh cắp tiền của bà để thỏa đam mê cờ bạc. Người đàn ông này còn đẩy bà vào tình trạng trầm uất, đau khổ sau khi ông ta giành được quyền nuôi đứa con nuôi khi hai người ly hôn hồi năm 1929.

Những khó khăn, thách thức của Smith cũng như trong cuộc sống của người dân đã được bà bộc lộ rõ trong các đĩa hát phát hành vào năm 1923 - 1937. Đây là một trong những bản thu âm bất hủ của Smith. Bà sáng chói và ưu việt hơn bất cứ ca sĩ nào thể hiện cùng ca khúc, kể cả những bản cover.

Đáng kinh ngạc là những bản thu âm của Smith luôn đạt chất lượng cao, mặc dù không phải lúc nào bà cũng được hợp tác với những nhạc sĩ xuất chúng nhất. Dù âm vực của bà hiếm khi vượt được quãng tám, song giọng ca chứa đựng nhiều màu sắc, lúc thì như tiếng kèn trumpet, khi thì khàn khàn.

Chết vì bị phân biệt chủng tộc

Thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ (trong những năm 1930) đã khiến Smith gặp không ít khó khăn. Thu nhập của bà tại hãng thu âm bị giảm và năm 1932, màn trình diễn solo của bà chỉ có cây piano là nhạc đệm chứ không có dàn nhạc.

Song thật ngạc nhiên là sự nghiệp của bà thời gian sau này lại “nở rộ” do thị hiếu của khán giả thay đổi. Năm 1936, thay thế màn diễn của Billie Holiday tại quán trọ Connie ở New York, bà đã tạo nên một hiện tượng.

Năm 1937, Smith đã thực hiện tour diễn ở miền Nam nhưng bi kịch đã xảy ra. Tối 26/9, khi đang đi ô tô tới Clarkson trình diễn, một xe tải qua đường đang chạy với tốc độ cao đã va vào ô tô của Smith, kéo theo cánh cửa cùng cánh tay của bà.

Smith được đưa tới bệnh viện dành cho người da trắng, song ở đây đã từ chối cấp cứu cho bà do lúc đó cũng xảy ra một vụ tai nạn khác, khiến nhiều người da trắng bị thương và cần được cấp cứu nhanh. Smith đã qua đời do mất quá nhiều máu.

Cay đắng hơn, 33 năm sau khi bà qua đời, ngôi mộ của bà mới được dựng bia. Chồng cũ của bà đã làm việc này bằng số tiền ủng hộ.

Việt Lâm (theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›