Đó là câu hỏi, cũng là lời tựa của một bài viết trong nhóm Một thời Hà Nội hát trên mạng xã hội Facebook.
Xem chuyên đề "Chuyện đời sau ống kính" TẠI ĐÂY
Bài nói rằng có một thời cụm từ “chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề” trở thành quen thuộc với mọi nhà, vì quảng cáo chương trình Ca khúc trữ tình này được phát trêntruyền hình hàng ngày. Nó trở thành khẩu ngữ để chỉ công việc chỉ đạo, chủ trì các sự vụ đời sống... tạo ra cảm giác vui vẻ, hài hước.
Cũng theo bài viết, chương trình này là của Câu lạc bộ Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là sân khấu đầu tiên "xé rào” để biểu diễn các ca khúc "tiền chiến", tức các bài hát lãng mạn sáng tác trước 1954 (về sau mở rộng cả các ca khúc phổ biến ở miền Nam trước 1975 có màu sắc trữ tình lãng mạn nối tiếp âm hưởng nhạc tiền chiến). Nhiều bài hát được hát lại sau 30 năm và các tác giả còn sống vô cùng xúc động khi chứng kiến những đứa con tinh thần của mình đã được hồi sinh.
Ra đời vào đầu năm 1988, sau các đêm nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, chương trình sáng đèn hàng đêm và kéo dài đến tận khoảng 2016. Địa điểm biểu diễn ở chính phòng hòa nhạc nhỏ có sức chứa 70 người của biệt thự 51 Trần Hưng Đạo, thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng nhiều hội nghệ thuật khác. Đây cũng là biệt thự cũ của vua Bảo Đại trước 1945.
Cũng theo bài viết, sân khấu 51 Trần Hưng Đạo đã trở thành một địa chỉ quen thuộc để người Hà Nội nghe lại các bài hát lãng mạn tiền chiến, qua các giọng ca gạo cội từ thời trước tái xuất như tài tử Ngọc Bảo, các nhạc sĩ Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn tham gia trình tấu, hay các ca sĩ hàng đầu miền Bắc, tạo ra một phong cách riêng nối tiếp một Hà Nội cũ…
Ở dưới bài viết này, có thể thấy những người hâm mộ chia sẻ một cách đầy hào hứng. Một người có tên Hoàng Oanh Phạm bình luận: “Ngày đó tôi ở Sài Gòn ngóng về sân khấu này và ganh tỵ với bạn bè Hà Nội nhiều lắm. Đầu những năm 90 ra Hà Nội, tôi đã một lần được đến đây và cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.
- Cuộc đời sau ống kính: Xem chọi trâu Đồ Sơn 20 năm trước
- Cuộc đời sau ống kính: Hạ Long, ngày chưa đông đúc
- Cuộc đời sau ống kính: Nhớ vạn đò Huế…
Xin cám ơn Một thời Hà Nội hát đã có một bài viết hay để chúng tôi có thể trích dẫn cho bạn đọc cùng thưởng thức. Và đây là 2 bức ảnh ít nhiều liên quan đến chương trình này. Đầu tiên là hai chị hàng rong đang ngồi dưới tấm băng quảng cáo cho chương trình kỷ niệm 10 năm Ca khúc trữ tình 1988 -1998, ảnh chụp năm 1998 và tiếp theo là bức ảnh vừa chụp tháng 8/2022 tại cùng vị trí, khu vực này đang được thành phố Hà Nội quây tôn để tôn tạo nhưng vẫn còn số nhà 51 biển hiệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Lưu Quang Phổ
Tags