Không "vơ vào" như cách nhiều người đặt tên cho ảnh nghệ thuật, bức ảnh đăng kèm bài viết này đích thị là bếp nhà tôi, được chụp năm 1996 ở phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Đó là một buổi chiều mùa Thu, nắng tây chiếu xiên vào bếp, nơi mẹ tôi đang thổi lửa nấu cơm và khói bếp được ánh nắng chiếu vào tạo ra những đường ray khá đẹp. Chỉ tiếc rằng bếp thì chật, mà khi đó tôi chỉ có ống kính 28mm là rộng nhất nên ảnh nhìn hơi bị "tức". Dù vậy, nó cũng đã được treo trong Triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ 10, năm 1997, của CLB Nhiếp ảnh quận 5, TP.HCM, một triển lãm khá uy tín thời đó.
Bây giờ, khi bếp gas, bếp điện, bếp từ đã trở thành phổ biến từ thành thị tới nông thôn, hẳn những bạn đọc 9X hoặc 2K, GenZ nếu nhìn kỹ sẽ thấy những điều đặc biệt trong bếp nhà tôi, còn những người 8X trở về trước sẽ thấy ở đây một phần hoài niệm. Đó là chiếc ống đũa ở sau ngọn lửa. Tôi đã thấy nó ở trong bếp nhà mình từ cuối những năm 1960, nó làm bằng một ống tre luồng, 3 tầng ống ứng với 3 đốt tre. Tầng dưới lâu ngày đã mục, chỉ còn hai tầng trên, tôi dùng nó để cắm đũa cả và bỏ bao diêm.
Chiếc kiềng bếp có lẽ cũng lạ lẫm với nhiều người. Nó được hàn bằng thép 14 để có thể đun cùng lúc được 3 nồi. Đó là thế hệ kiềng thứ 4 mà tôi thấy trong bếp nhà mình. Những năm cuối 1960, nhà tôi dùng các ông đầu rau. Đó là 3 tảng đất sét đứng nghiêng như con cóc, chụm đầu vào nhau và đỡ các nồi niêu bên trên một cách nghệ thuật. Nồi bé quá thì cho các ông chụm vào, nồi lớn thì ẩy các ông ra xa nhau. Khó nhất là khi nấu cám. Nồi cám lợn thường to, bê lên không khéo đầu rau sẽ đổ kềnh.
Sau giai đoạn đầu rau, mẹ tôi mua về 2 chiếc kiềng ba chân, một to một nhỏ. Kiềng to nấu cơm, luộc rau, kiềng nhỏ kho cá. Khoảng cách giữa 2 kiềng là chỗ đặt nồi cơm vừa cạn nước, dưới cời than củi cho cơm chín, nếu đun rơm thì cứ hai ba phút lại phải xoay nồi, kẻo góc này cháy mà bên kia lại sống cơm.
Giai đoạn sau, kiềng nhà tôi là 2 thanh thép đặt trên gạch. Loại này tiện nhưng nồi xoong để lên trên không được "vững như kiềng ba chân", đặc biệt là dùng một thời gian, phần giữa của hai thanh thép bị mềm hoặc mòn mà võng xuống, lại phải thay cái khác.
***
Còn chuyện củi lửa và lửa rơm cũng không kém phần gian nan. Khi tôi lớn lên, nhà đã bị cắt "gạo sổ" do vườn cam đã bị cơn bão số 7 năm 1968 tàn phá, không còn quả bán cho nhà nước. Vì thế, bếp dầu là thứ xa xỉ. Bếp mùn cũng không kém xa lạ. Chất đốt của nhà tôi là cành lá trong khu vườn hơn 2.000m2 và rơm từ mấy sào ruộng. Rơm dễ cháy, nhưNg đun khó vì phải cời liên tục vì cháy nhanh, lôi thôi cháy luôn cả bếp. Nhưng rơm cháy xong là tàn, không để lại than, lửa rơm mà lại.
Lá tre cũng tương tự, quét từ vườn về nên đôi khi dính mảnh phân chó, gặp lửa thì ôi thôi là cái mùi khói! Đáng nói là đun mấy loại lá này thì phải ngồi ngay cạnh bếp, gần lửa nên rất rát mặt.
Trong các loại lá vườn, thích nhất là được đun lá ổi. Lá ổi dày, cứng, cháy chậm, lửa luôn đượm và tỏa mùi thơm, lúc tắt rồi vẫn để lại than rất nóng, tha hồ vùi cơm, nướng khoai. Gỗ ổi cũng vậy, cháy hết mình rồi để lại than hồng dưới lớp tro đen, khẽ cời là thấy hồng rực.
***
Lại phải kể thêm về chuyện "chó treo, mèo đậy". Trước khi được xây như trong ảnh, bếp nhà tôi những năm 1960 - 1970 cũng mái rạ, vách đất. Trên tường bếp có những đọt tre, đó là nơi mẹ tôi treo những niêu cá kho hay những gói mỡ lợn rán sẵn có giá 2 hào mua ở chợ về chia ra nấu ăn 2 bữa. Phải treo lên đấy vì thằng chó Ki Ki nhà tôi rất gớm. Nó biết trèo lên cái chạn gỗ, dùng chân mở cửa và thò vào để khều đồ, ăn vụng.
Mỗi lần thấy thế, anh trai tôi, một người cũng có ít chữ nghĩa, lại bĩu môi mắng nó: "Đúng là chó leo chạn, lưng dài chân ngắn", ý là chê Ki Ki về mặt hình thể. "Chó leo chạn" có thể là "mặt đối lập" với khái niệm "chân dài" thời nay!
Tags