Nhân việc Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa đoạt huy chương vàng SEA Games 32, có người nói vui: "Nếu ở đâu cũng có phong trào bóng đá nữ như ở Húc Động, Bình Liêu (Quảng Ninh) thì bóng đá nữ Việt Nam có khi đã vô địch cả châu Á rồi ấy chứ"!
Từ vài năm nay, huyện miền núi Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh nổi lên như một địa chỉ du lịch với cảnh đẹp được ví như Sa Pa của vùng Đông Bắc và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ…
Trong những hình ảnh về Bình Liêu, những cô gái dân tộc Sán Chỉ mặc váy đen, áo xanh đá bóng đã trở thành nổi tiếng. Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết phong trào đá bóng nữ ở Bình Liêu khởi phát cách đây khoảng 10 năm, khi địa phương phục dựng lễ hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ. Trong những hoạt động ấy, có các trận bóng đá nữ.
Điều lệ các "giải đấu" bóng đá nữ ở đây không cố định số lượng cầu thủ, thời gian thi đấu mỗi trận tùy theo điều kiện cụ thể, các trận đấu không có thẻ vàng, thẻ đỏ, bóng ra ngoài biên thì không ném biên mà đá biên… Tuy nhiên, quy định bắt buộc là các nữ cầu thủ ra sân phải mặc trang phục của dân tộc mình. Phụ nữ Sán Chỉ ra sân mặc trang phục truyền thống là váy đen, áo xanh và không đánh số. Để phân biệt, các đội phải mặc áo màu đậm hoặc nhạt, hoặc nếu đội này vấn khăn thì đội kia sẽ để đầu trần…
Ông Đoàn Xuân Trang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Húc Động, nay là Trưởng phòng Dân tộc huyện Bình Liêu, cho biết xã Húc Động có 80% là người Sán Chỉ và có đến 8 đội bóng đá nữ. Cầu thủ đa số là nông dân nhưng cũng có cả giáo viên, cán bộ xã. Các giải đấu thường được tổ chức vào dịp lễ hội Soóng Cọ (16/3 Âm lịch) và các lễ tết khác trong năm. Từ Húc Động, phong trào bóng đá nữ cũng lan tỏa sang các địa phương khác của tỉnh Quảng Ninh như huyện Tiên Yên, thành phố Móng Cái. Từ dân tộc Sán Chỉ, các đội bóng của phụ nữ Dao cũng được thành lập với trang phục nổi bật gồm quần áo với 2 màu đỏ - đen…
Tuy nhiên, bóng đá nữ ở Bình Liêu hoàn toàn là hoạt động phong trào mà chưa được đầu tư chuyên môn dù một số nhà trường đã đưa bóng đá nữ vào các hoạt động ngoại khóa. Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Ngò cho biết địa phương còn nhiều khó khăn và chưa có điều kiện xây dựng sân bãi, đầu tư chiều sâu cho bóng đá nữ. Dẫu vậy, ông cũng nói đùa nhân việc Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa đoạt huy chương vàng SEA Games 32: "Nếu ở đâu cũng có phong trào bóng đá nữ như ở Húc Động, Bình Liêu thì bóng đá nữ Việt Nam có khi đã vô địch cả châu Á rồi ấy chứ"!
Mời quý bạn đọc của Thể thao và Văn hóa xem một vài hình ảnh của một giải đấu giao hữu ở xã Húc Động. Tham gia giải đấu còn có đội tuyển xã Đại Dực (cùng huyện Bình Liêu) tại một lễ hội Soóng Cọ tổ chức gần đây. Trong các trận đấu này, mỗi bên có 7 cầu thủ. Các đội nữ Sán Chỉ đều mặc váy đen, áo xanh nhưng phân biệt bằng màu áo đậm, nhạt. Các chị thi đấu trong 2 hiệp, mỗi hiệp 20 phút. Trong giải này, đội Húc Động (áo xanh nhạt) đã thắng đội Đại Dực (áo xanh đậm) 3-1, bằng tỉ số trận đấu vòng loại giữa Đội tuyển nữ Việt Nam với Đội tuyển nữ Myanmar ở vòng loại môn bóng đá nữ Sea Games 32.
Tags