Bên Hồ Tây một buổi trưa mùa thu không nắng, tôi thấy bà ngồi tần ngần bên dải vườn hoa đối diện chùa Trấn Quốc, tay mân mê chiếc điện thoại Nokia 2G, trước mặt là một chiếc xe đạp cũ chất đầy hoa. Manh áo bảo hộ bạc màu, đôi dép lê và chiếc nón lá đã sờn cho thấy đó là một phụ nữ ở quê ra Hà Nội bán hoa rong.
Hồ Tây hôm ấy vắng khách, bà nhìn trước ngó sau chả thấy ai. Con đường bên bờ hồ cứ dài hun hút. Nhưng đây rồi, một đôi nam nữ ngoại quốc đang từ cổng chùa Trấn Quốc đi tới. Bà đứng dậy, sang phía mép nước và dựa vào lan can, có vẻ sẵn sàng "tác nghiệp".
Đôi khách Tây đi tới. Bà tươi cười, dùng "body language" tươi tắn mời họ mua hoa. Anh chị kia lắc đầu từ chối, song người phụ nữ đề nghị được chụp ảnh với chiếc xe hoa, rồi mời luôn cả bà đứng cạnh, để anh Tây to béo vừa "set up" vừa chụp ảnh bằng điện thoại. Rồi cả hai "thank you" và tươi cười rời đi mà không mua hoa.
Qua kính ngắm máy ảnh, tôi thấy trong nụ cười của bà có một thoáng buồn, pha lẫn tiếc nuối. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 2 phút, và tôi gọi đó là 2 phút đẹp đẽ của bà, cũng là 2 phút để tôi ghi được những khoảnh khắc đời thường đầy vất vả, nhưng cũng không kém đi sự thân ái, và trong một chừng mực nào cũng có thể gọi là dễ mến, hiếu khách.
Lại ngồi tần ngần bên vườn hoa, bà nói tên là Trần Thị Nhung, năm nay 53 tuổi, làm ruộng ở quê Lục Nam, Bắc Giang. Hết mùa cấy gặt thì cùng chị em trong xóm xuống Hà Nội thuê trọ 500 nghìn một tháng, để cất hoa ở chợ Quảng Bá đi bán rong. Bà bảo khách thường đông vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, mỗi hôm có thể kiếm được đôi ba bốn trăm. Nhưng ngày dưng như thế này thì không bán được, có khi ế đổ đi, lỗ vốn. Tôi kể, khách Tây đến xem hoa, chụp ảnh, nhiều người bán hàng còn đòi họ phải cho tiền đấy. Bà bảo, làm thế, người ta cười cho đấy. "Mình sống ở nông thôn, mộc mạc dân giã nó quen rồi. Tiền thì quý nhưng lắm khi cũng chẳng để làm gì, đói cho sạch, rách cho thơm, bác ạ".
Tags