Những người thuộc thế hệ 8X, 9X có thể ít thấy những chiếc xe máy trong các bức ảnh này, nhưng với những người lớn tuổi hơn, loại xe này là quá thân thuộc.
Xem chuyên đề "Chuyện đời sau ống kính" TẠI ĐÂY
Đó là chiếc Minsk, được sản xuất dưới thời Liên Xô (cũ) tại nước Cộng hòa Belarus và lấy tên của thủ đô nước này. Minsk những năm 1980 và đầu những năm 1990 được những người đi lao động xuất khẩu và du học sinh gửi từ Liên Xô về Việt Nam theo đường đóng hàng tàu biển và có giá bán trên thị trường khoảng 7 chỉ vàng, chỉ bằng non nửa giá một chiếc xe Honda Cub hàng bãi thời ấy.
Xe Minsk gắn động cơ 2 thì, dung tích 125cc và hộp số 4 cấp, côn tay. Dù không đẹp, ít tiện nghi, nhưng do khá rẻ và dễ sửa chữa so với xe máy Nhật nên cũng được người Việt Nam tin dùng, nhất là những người cần chở nặng hoặc ở vùng trung du, miền núi. Sau này, khi xe máy Nhật bão hòa, Minsk lại được một số hội nhóm tìm kiếm để tân trang và biến thành đồ chơi theo phong cách độc lạ với tiếng máy nổ đặc trưng, màu khói xanh do xăng pha nhớt và dáng xe nam tính, khỏe mạnh, phong trần.
Trong 3 bức ảnh này, đầu tiên là 5 chiếc Minsk đang chờ khách trên đảo Cát Bà năm 1992. Cát Bà khi ấy nhiều đèo dốc và Minsk là loại xe thống trị cả hòn đảo. Ảnh thứ hai là hai chiếc Minsk đang chở hàng qua cầu Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh) năm 2003. Đây cũng là cảnh thường thấy ở các cửa khẩu lớn khu vực phía Bắc như Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn).
- Cuộc đời sau ống kính: Nhớ 'đồ khủng' 19 năm trước ở SEA Games
- Cuộc đời sau ống kính: Ai còn nhớ chùa Vân Tiêu trên Yên Tử?
- Cuộc đời sau ống kính: Hoài niệm ở Hồ Tây
Cuối cùng là ảnh ông Đỗ Anh Tuấn, một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, cũng là dân chơi máy ảnh, âm thanh… trên chiếc Minsk treo biển 29 (Hà Nội). Nghệ sĩ này đang trên đường từ cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) về Hà Nội và đi qua bờ sông Tráng Kìm, thuộc huyện Quản Bạ, sau khi dự chợ tình Khau Vai, tháng 5/2007.
Lê Quang Phổ
Tags