(Thethaovanhoa.vn) -Hard Rails Across A Gentle River (tạm dịch Cầu bắc ngang sông) là một chùm phim tài liệu rất thú vị về cầu Long Biên. Phim đã tái hiện đời sống một cộng đồng dân cư mưu sinh quanh cây cầu với một cuộc sống có phần kỳ lạ và độc đáo nhất thế giới.
Khi bộ phim được chiếu tại LHP Tài liệu Quốc tế Yamagata - một LHP tài liệu lâu đời nhất và rất có uy tín tại Nhật Bản - khán giả đã rất bất ngờ, đặt rất nhiều câu hỏi cho đoàn làm phim. Bộ phim sau đó đoạt giải Chú ý đặc biệt (Special Mention).
Câu chuyện lôi cuốn, thú vị…
Hard Rails Across A Gentle River là một chùm phim, phản ánh khu vực quanh cầu Long Biên bao gồm khu vực dưới chân cầu, bãi giữa, trên cầu, và khu chợ xung quanh cầu. Anh Trần Thanh Hiên, thành viên nhóm làm phim cho biết: “Mỗi phim ngắn trong tác phẩm này có thể đứng riêng là một phim độc lập. Nhưng khi Doclab đặt chúng cạnh nhau thì thấy các phim đều có chung một mạch chảy. Nhờ tài dựng của 3 nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi, Phạm Thị Hảo, Julie Beziau mà bộ phim trở nên hay hơn rất nhiều”.
Cuộc sống của cộng đồng cư dân xung quanh khu vực cầu Long Biên, nhìn dưới góc độ phim ảnh cực kỳ thú vị. Có lẽ không phải cây cầu nào trên thế giới cũng có những cảnh tượng như ở cầu Long Biên. Không chỉ người nước ngoài thấy lạ, mà ngay cả những người sinh sống tại Hà Nội cũng có thể sẽ thấy lạ, khi tìm hiểu về cộng đồng cư dân xung quanh khu vực cầu Long Biên.
Hard Rails Across A Gentle River còn đoạt giải Phim hay nhất tại LHP Tài liệu Quốc tế Salaya lần thứ 2 tại Bangkok, Thái Lan. Hội đồng thẩm định LHP này đánh giá: “Hard Rails Across A Gentle River đã sử dụng địa điểm Long Biên nơi có cây cầu, dòng sông và cuộc sống xung quanh nó để nắm bắt nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của con người trong một thành phố lớn đầy khó khăn, hy vọng và giành giật. Cách mà bộ phim kể cho chúng ta câu chuyện thật sự lôi cuốn, thú vị, xúc cảm và chân thành”.
Chất liệu cuộc sống dồi dào
Cuộc sống ở khu vực xung quanh cầu Long Biên rất sôi động và phức tạp. Ở một khía cạnh nào đó rất khác với đời sống còn lại của toàn bộ cư dân nội thành Hà Nội. Với các nhà làm phim, chất liệu cuộc sống ở khu vực cầu Long Biên quá dồi dào để họ khai thác và nó được tái hiện trên phim thật sống động.
Có lẽ không một cây cầu nào trên thế giới lại có hàng quán trên cầu như Long Biên. Ban ngày dăm ba người mang hoa màu, những con cá chép tươi ở dưới sông lên giữa cầu bán. Buổi tối, những người bán trà đá còn mang chiếu trải lên cầu... và thanh niên thì nườm nượp kéo tới đây.
Bãi tắm khỏa thân của nam giới ở bãi giữa sông Hồng càng là một sự lạ. Giữa lòng Hà Nội, một đô thị chất chồng nhà cửa, một xã hội Á Đông lại có một khu vực mà thiên nhiên còn tương đối hoang sơ và ở đó có những người tắm khỏa thân. Nhất là khi nhà làm phim phát hiện ở đó lại có một người nữ.
Những nhà làm phim đã tiếp cận khu vực này không dễ dàng. Anh Trần Thanh Hiên cho biết: “Tôi đã từng làm phim về một người phụ nữ chuyên đi chở hàng ở chợ Long Biên. Tôi đã thay cô ấy kéo chiếc xe cải tiến một ngày, theo những người mua hoa quả ở chợ Long Biên. Tôi càng hiểu vì sao, những người lao động ở đây không muốn chia sẻ nhiều về cuộc sống của mình”.
Nhóm tác giả cho biết họ vẫn đơn giản gọi đây là “phim Long Biên”. Hữu xạ tự nhiên hương, nhiều nhà làm phim nước ngoài đến Trung tâm thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video (Doclab) của Viện Goethe Hà Nội đều muốn xem phim Hard Rails Across A Gentle River. Cũng từ đây, “phim Long Biên” được giới thiệu tới nhiều LHP trên thế giới.
3 Đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội - Sách ảnh Hà Nội Capital của tác giả người Đức Michael Waibel là cuộc đối chiếu những đổi khác của Thủ đô trong 20 năm qua với những hình ảnh cùng 1 góc chụp từ quá khứ, tới hiện tại với những phân tích và khuyến nghị hướng phát triển thành phố trong tương lai. - Hard Rails Across A Gentle River (tạm dịch: Cầu bắc ngang sông) là một tổ hợp 3 phim tài liệu ngắn lấy bối cảnh là khu vực xung quanh cầu Long Biên trăm tuổi của 4 nhà làm phim trẻ: Trần Thanh Hiên, Phạm Thu Hằng, Đỗ Văn Hoàng và Trần Thị Ánh Phượng. Phim đã nêu bật cuộc sống độc đáo, lạ kỳ chung quanh cầu Long Biên giữa Thủ đô Hà Nội. - Chùm tác phẩm về Hà Nội của nhà văn Trần Chiến (A đây rồi Hà Nội 7 món, Cậu ấm) đã “vẽ” lại Hà Nội bằng nhiều mảng màu, nét họa khác nhau nhằm làm nổi bật “tính cách riêng” của Hà Nội ngày nay so với trước đây. |
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do Quỹ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phát động nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến... Lễ trao giải sẽ diễn ra lúc 14h ngày 23/9 tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags