Đi chụp ảnh một chiều trên cánh đồng phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng, tôi bỗng gặp một cặp vợ chồng già đang tát nước cho ruộng rau cải xoong.
Tát nước gàu sòng và gàu dai là chuyện không lạ gì với các thế hệ 7x đổ về trước, nhưng với lứa 8x trở đi, đó có thể là chuyện lạ. Tát nước gàu sòng chỉ cần một người. Cái gàu treo trên 3 cây tre bắc hình tam giác, người tát đứng dưới nước và dùng tay và thân mình đẩy cái gàu bằng tre đưa nước lên ruộng. Gàu dai (dây) thì khác, hai người tát đứng trên bờ và điều khiển 4 sợi dây thừng để cái gàu vục nước đưa lên những chỗ cao hơn…
Cách đây hơn 30 năm, tháng 3/1993, tôi đã chụp 4 phụ nữ ở huyện Kim Thành, Hải Dương đang tát nước cho lúa Xuân. Bẵng đi một thời gian, tôi không còn gặp lại chiếc gầu dai nữa.
Giờ đây, thấy tôi tần ngần đứng xem, ông lão hỏi anh là nhà báo hay nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tôi bật lại, sao ông hỏi vậy. Ông tát nước cười hơ hớ, bảo chỉ có hai "nhà" ấy mới cầm máy ảnh đi ra đồng chứ người bình thường như chúng tôi phải đi làm ăn chứ.
Rồi ông hỏi tôi giá vàng hôm nay bao nhiêu, cuộc xung đột Nga - Ukraine hồi này ra sao, tình hình Trung Đông thế nào. Thấy ông có vẻ đáo để, tôi mạnh dạn hỏi tên tuổi. Bà vợ ông nhanh nhảu, ông ấy tên là Nguyễn Đức Mầm, 70 tuổi, ở ngõ 210 đường Thành Tô, phường Tràng Cát. Hỏi ông trước làm gì, sao biết lắm thứ thế. Bà Mầm cười vang, ối giời ơi ông ấy không biết chữ đâu, tôi cũng thế vì ngày xưa bố mẹ nghèo không cho ăn học.
Hỏi ông bà sao cả làng cả tổng đã dùng máy bơm mà gia đình vẫn phải kỳ cạch tát nước. Bà Mầm bảo muốn mua lắm chứ, nhưng loại rẻ nhất đã hết 2 triệu, mà nhà mình thì nghèo, có cái chân đã thoái hóa khớp 20 năm nay mà còn chưa có tiền để chữa. Thôi thì mua cái gầu này có trăm bạc, để hai vợ chồng cùng tát nước cho nó khỏe người…
Chiếc gầu tát nước đã gắng với người nông dân hàng trăm năm nay và giờ đây, đâu đó ta vẫn nghe thấy tiếng tát nước bì bõm trên ruộng đồng, vất vả thật đấy nhưng mà cũng thân thương biết bao.
Tags