Có tên trên bản đồ quốc tế vào 1875, sau 150 năm, cái tên Cảng Hải Phòng đã quá nổi tiếng và in đậm trong tâm trí người dân thành phố Hoa phượng đỏ.
Đây là cửa biển chính của miền Bắc và gắn liền với những năm tháng gian lao của đất nước trong các thời kỳ lịch sử, đồng thời cũng trở thành chất liệu cho thơ văn, nhạc họa của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.
Năm 1886, bên bờ phải của sông Cấm, tại khu vực những bức ảnh này được chụp, người Pháp đã xây 6 kho hàng và 3 cầu cảng với phí tổn hơn 1,2 triệu franc Pháp. Người Pháp cũng gọi đây là cảng chính của Bắc Kỳ. Sau năm 1955, khi người Pháp rút đi, Cảng Hải Phòng trở thành một xí nghiệp thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện.
Từ cuối những năm 1960, Liên Xô đã giúp mở rộng Cảng Hải Phòng với 12 cầu, trên chiều dài 1,7 km, cung cấp thiết bị và xây thêm kho bãi.
Trong những năm chống Mỹ, nơi này đã đón hàng chục triệu tấn hàng hóa, vũ khí viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng trở thành mục tiêu bị không quân Mỹ phong tỏa, nhiều tàu đã bị trúng bom, nhiều thủy thủ đã hy sinh.
Từ những năm 1990, có thêm nhiều đơn vị kinh doanh cảng bên bờ phải của sông Cấm. Cảng Hải Phòng cũng mở rộng theo hạ lưu sông Cấm, tới Chùa Vẽ, Đình Vũ. Đến nay, dù trên địa bàn đã có đến gần 50 cảng, và khu vực này đã trở thành Cảng Hoàng Diệu, một đơn vị của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, thì người đất cảng vẫn quen gọi đây là "cảng chính", như một biểu tượng của thành phố cảng Hải Phòng.
Tuy nhiên, từ tháng 8 tới đây, Cảng Hoàng Diệu sẽ kết thúc hoạt động để thành phố Hải Phòng xây cầu Nguyễn Trãi nối sang bờ Bắc sông Cấm. Thông tin ấy khiến nhiều người Hải Phòng xao xuyến, nhất là những thế hệ đã từng lao động, chiến đấu trên bến cảng này, trong đó có gần 1.000 công nhân Cảng Hoàng Diệu…
Tags