Cuộc sống và âm nhạc của người Raglai ở Ninh Thuận là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác ca khúc Giấc mơ chapi nổi tiếng. Chapi là một ống tre với những mảnh vỏ được chêm cao và tạo ra âm thanh khi đánh.
Trần Tiến kể, ông đã viết ca khúc này khi thấy những người Raglai ở một buôn làng ở Ninh Sơn (Ninh Thuận) dù nghèo nhưng vẫn sống an nhiên và hạnh phúc:
"Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi
Một mái tranh nghèo
Một nhà sàn yên vui
Ở nơi ấy họ đang sống cuộc sống yên bình
Ai nghèo cũng có cây đàn chapi
Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai"…
Còn tôi chụp những bức ảnh này tại xã Phước Hà, huyện Ninh Phước, nay là huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, vào mùa Hè năm 2006. Phước Hà là một căn cứ cách mạng trước năm 1975 và đã được nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang từ năm 1988, nhưng đến năm 2006 vẫn là một xã đặc biệt khó khăn. Cả xã mới có 66 ngôi nhà ngói, còn 265 nhà tranh cần xoá. Nhưng nhà nào xây xong thì lại khó khăn bởi bò đã bán đi để xây nhà và không còn sức kéo để làm ruộng rẫy.
Người Raglai chiếm đa số ở Phước Hà. Vẻ đẹp ngoại hình với làn da nâu, đôi mắt sáng và nét vô tư, thuần khiết của người Raglai cũng như không gian sống yên bình của họ là sức hút đối với văn học nghệ thuật và những người chụp ảnh, trong đó có tôi.
Đó cũng là điều tôi cảm nhận khi đến Phước Hà, dù không nhìn thấy cây đàn chapi nào ở đây. 18 năm trước, người Raglai ở Phước Hà còn giã bắp bằng chày tay, đi những chiếc xe đạp cũ kỹ, nhưng ánh mắt, nụ cười vẫn toát ra sự an nhiên.
Giờ đây, sau gần 2 thập niên, khi mở máy tính, ngắm lại những bức ảnh chụp họ, tôi cảm nhận đó là những "giấc mơ" hạnh phúc ở Phước Hà.
Khi kể lại chuyện này, tôi lại gọi vào Ninh Thuận và được biết Phước Hà đã đổi thay nhiều, cộng đồng dân tộc Raglai cũng khá lên nhiều lắm. Và tôi tin các nhân vật của mình, cũng như tất cả những người đồng bào Raglai vẫn sống an nhiên. Tôi cũng ước mình có được một cuộc đời thong dong, tự tại và hạnh phúc như họ, những người Raglai da nâu, mắt sáng trong các bức ảnh này.
Tags