Những ngày cuối năm, không còn gì ấm áp hơn khi được nói về Sài Gòn.
Sài Gòn như gia đình - có lẽ không phải chỉ một, hai người nghĩ vậy. Sài Gòn vẫn thế, vẫn ở đó và bao dung, giang tay ôm lấy tất cả những người con tứ xứ. Người Bình Định, Kiên Giang, Đà Lạt,... người thì Hà Nội, Nghệ An... thậm chí từ tận nước ngoài.
Mỗi người trẻ đến, rồi đi, có những người ở lại lâu thật lâu, có những người chọn Sài Gòn để trú ngụ trong vài ba năm nhưng không ai quên được những ngày sống là chính mình giữa mảnh đất nhộn nhịp nhưng cũng yên bình đó. Để rồi những ngày vui, sôi nổi nhất của tuổi trẻ cũng gắn liền với mảnh đất thân thương; hay những ngày tuyệt vọng, kiệt quệ đến cùng cực, chẳng còn biết bám víu vào ai thì vẫn có Sài Gòn ở đây, che chở và vỗ về.
Sau 3 ngày ở Sài Gòn, tui đã biết muốn ở lại đây luôn
Max McFarlin - một food blogger là người Mỹ sống ở Việt Nam. Max hóm hỉnh kể về chuyện sống ở Sài Gòn của mình bằng tất cả sự hào hứng và tình yêu: “Bạn có thể dễ dàng tìm thấy người Bắc, người Trung, hay là người miền Tây tại Sài Gòn. Tất cả mọi người đều đổ về Sài Gòn, ai cũng mang trong mình nhiều hoài bão, ước mơ. Tất cả mọi người đều hòa chung và đổ về Sài Gòn. Yeah!”.
Lần đầu Max đến Việt Nam là năm 2018 để ở lại 3 ngày và chẳng hề quay về, vì sau 3 ngày ở lại Sài Gòn, anh đã biết mình… muốn sống ở Việt Nam luôn. Dù là đi chợ sáng, đi cafe buổi chiều hay đi qua những quầy hàng ven đường đều có thể thấy được năng lượng từ mọi người dân trong thành phố và Max thực sự yêu nó. Max học cách trở thành người Sài Gòn mỗi ngày, bằng những việc nhỏ nhất. Để rồi Sài Gòn trở thành tâm hồn anh, bằng chuyến đi chợ sáng, đi cafe, nói chuyện với mọi người.
“Mình đã đi du lịch một mình nhiều nơi và rất dễ thấy cô đơn, nhưng khi ở Việt Nam mình thấy mọi người quan tâm khi luôn nói chuyện và chia sẻ câu chuyện của họ cho mình nghe. Mình cảm thấy được chào đón, dù mình vẫn chỉ là một người ngoại quốc nhưng cách đối xử của mọi người khiến mình có cảm giác như có một gia đình ở nơi đây”.
Sài Gòn giống như ngôi nhà to, xấu đẹp gì vẫn là nhà của mình
Có lẽ nhiều người không biết nhiếp ảnh gia Thiên Minh vốn sinh ra và lớn lên ở Rạch Giá (Kiên Giang). Nhưng phía sau cái tên Thiên Minh, người ta luôn nhớ tới anh gắn liền với Sài Gòn.
16 tuổi Thiên Minh chuyển lên Sài Gòn sinh sống, 5 năm sau anh sang Mỹ, và tới năm 2015 mới quay trở về Việt Nam. Với Thiên Minh, “Sài Gòn giống như một ngôi nhà to, có những điều không đẹp, có chỗ tốt và chưa tốt, nhưng gia đình luôn là ngôi nhà to, nhà luôn là nhà của mình, xấu đẹp gì thì vẫn là nhà của mình. Mình luôn muốn gắn bó, muốn trở về và cảm thấy nơi này phù hợp với mình nhất, là nơi mình được ủi an nhất”.
Lần đầu tiên lên Sài Gòn, là năm lớp 5, Thiên Minh đã giả vờ đi lạc, tách đoàn với gia đình để được một mình khám phá Sài Gòn. “Mình thích Sài Gòn đến độ muốn khám phá Sài Gòn theo cách của mình. Lúc đó cỡ 2 - 3 tiếng đồng hồ mình giả bộ đi lạc" - Thiên Minh nhớ lại. Lúc học cấp 3, tình yêu đó cũng thôi thúc Thiên Minh thuyết phục mẹ cho lên Sài Gòn học. “Mình thích lắm, cái ước mơ lớn nhất của mình ở giai đoạn tuổi trẻ là được lên Sài Gòn sống thôi, càng sớm càng tốt”.
Với những người con miền Nam như Thiên Minh, Sài Gòn là ước mơ của tất cả. Ai cũng muốn lên Sài Gòn, học xong cấp 3 sẽ muốn học Đại học ở đây, được đi du lịch ở đây và cả được lập nghiệp ở nơi này. Sài Gòn dành cho mọi người. Người ta thành công cũng muốn về đây lập nghiệp. Người ta sa cơ ở đâu đó cũng muốn quay về đây, để làm những điều nhỏ nhặt nhất và bình dị nhất.
“Mình nghĩ là có người nói Sài Gòn khó sống, nhưng mà cũng có người nói Sài Gòn dễ sống, như thế nào cũng sống được. Sài Gòn dễ thương lắm vì luôn cho người ta một hy vọng, một cơ hội gì đó khi nghe tới hai chữ “Sài Gòn”. Đó cũng là lý do lớn (ngoài cái lý do mình yêu Sài Gòn ra) để mình nghĩ là nơi này sẽ cho mình một cơ hội để quay trở về một lần nữa” - Thiên Minh trải lòng.
Thứ Thiên Minh thích nhất ở Sài Gòn là đồ ăn, với lại cà phê: “Người ta nói nếu là người kén ăn, không biết ở đâu ăn ngon, ở Sài Gòn không tìm ra được món ăn yêu thích thì trên thế giới không có nơi nào bạn tìm ra được”. Cái thích nữa là những chung cư cũ như thế này, nó tạo nên Sài Gòn. Với mình Sài Gòn là chung cư, là ẩm thực, là xe máy, là những cái quán nhậu.
Sài Gòn sẽ tạt vô em 1 cơn mưa và ướt nhẹp hết, rồi Sài Gòn lại hừng nắng lên hong khô tất cả mọi thứ
Tuyền (sinh viên) nhớ lại ngày đầu tiên lên Sài Gòn nhập học là một ngày mưa. Lúc đó, Tuyền đã tự đặt ra rất nhiều mục tiêu cho bản thân, phải chủ động tài chính và giúp đỡ gia đình trước 25 tuổi… Có những ngày xa nhà tủi thân, nhưng Tuyền biết Sài Gòn đâu có lỗi gì mà đổ thừa.
“Tưởng tượng đi trong tay mình có 1 nắm kẹo, có viên đắng viên ngọt. Nếu bóc được viên ngọt, bạn sẽ cười ngay lập tức, còn giờ bóc trúng viên đắng thì mình vẫn cười - vì Sài Gòn dạy cho mình 1 lối tư duy đó là tất cả mọi thứ đều sẽ ổn. Và mình nghĩ đủ lớn sẽ nhận ra, mình không thể đòi hỏi mọi thứ ở mức tuyệt vời được, nó chỉ nên dừng ở mức ổn thôi. Quá nhiều thứ cứ đòi hỏi nó ở mức tuyệt đối thì sẽ rất mệt mỏi. Sài Gòn dạy cho mình những thứ đó và với mình, Sài Gòn là bàn đạp để hình thành lối tư duy như bây giờ” - Tuyền chia sẻ.
Với Tuyền, có những cái rất nhỏ làm nên thương hiệu của Sài Gòn, đó là sẵn sàng giúp đỡ nhau, có khi mình còn chưa nhờ tới. “Họ chỉ thấy là nhỏ này làm như vậy khổ quá nên vô phụ luôn. Ví dụ mình rất nhỏ con, mỗi lần dắt chiếc xe rất là khó khăn mà mình lại là người không hay nhờ vả người khác, mình sợ họ phiền. Xong rồi mấy chú mấy cô bảo mày dắt chiếc xe to quá đi ra đây chú dắt cho xong. Mình nói cảm ơn, họ còn nói là chút xíu vậy cũng cảm ơn nữa hả. Nó là cái thói quen kiểu ăn sâu vào trong máu, Sài Gòn thích giúp đỡ và rất nhiệt tình”.
Saigonis - một series phim tài liệu ngắn đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Sài Gòn, là gì trong bạn?". Xem series Saigonis tại app Kenh14.vn và Youtube Kenh14 Special.
Tags