(Thethaovanhoa.vn) - Tháng cuối cùng của năm âm lịch Bính Tuất vừa bắt đầu. Vài ngày trước, phủ Tây Hồ tại Hà Nội chật kín bởi hàng ngàn lượt người đổ về đây trả lễ cuối năm.
Trên mặt báo, chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, như vẫn từng xuất hiện tại rất nhiều cơ sở tín ngưỡng trong các mùa lễ hội: tiền lẻ đầy chân tượng Phật, hoa cúng chất đống ngoài sân - và trên tất cả là một biển người chen chúc đội lễ để chờ tới lượt mình vào khấn.
Rộng hơn, đó là câu chuyện không chỉ diễn ra ở phủ Tây Hồ - khi mà quan niệm “đầu năm đi vay, cuối năm trả nợ” đã đưa người ta đến rất nhiều nơi trong tháng Chạp.
Dư luận thường“điểm danh”, những địa điểm như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Bảo Hà (Lào Cai), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn) hay đền Chúa Thác Bờ (Hòa Bình) được người đi trả lễ tìm tới trong dịp này.
Với quan niệm “vay - trả” ấy, nhiều người vào đầu năm vẫn tìm tới những cơ sở tín ngưỡng này để “vay” tiền, “vay” lộc nhằm giúp cho việc kinh doanh, buôn bán, công danh thuận lợi hanh thông. Để rồi, vào cuối năm, họ quay lại những nơi từng đi vay, để cám ơn sự phù hộ cho công việc của mình.
Và, đã “vay” thì phải “trả”. Như những câu chuyện vẫn được kể quanh sự vay - trả ấy, có những người khi “đầu năm đi vay” còn hứa là vay một trả 3, thậm chí vay một trả 10. Việc vay bao nhiêu, bao giờ trả là tùy mỗi người. Để rồi, khi ‘trả”, hàng núi tiền âm phủ, đồ mã được đốt hết, như lời hứa khi trước của người đi vay nợ.
***
Đã khá nhiều lần, trong các cuộc hội thảo về lễ hội, quan niệm “đầu năm đi vay – cuối năm trả lễ” được nhắc tới trong sự băn khoăn của các chuyên gia. Bởi, như phân tích, những bà Chúa Kho, ông Hoàng Mười, bà Chầu Bé Bắc Lệ… đều gắn với huyền thoại về những anh hùng dân tộc, từng góp công góp sức trong việc dựng và giữ nước. Có nghĩa, những nhân vật huyền thoại ấy đều không có chút gì liên quan tới việc buôn bán, hay tới tư duy “vay- trả” mà nhiều người đang hướng về.
Nhưng, như nhà nghiên cứu, GS Ngô Đức Thịnh, từng nhận xét: việc nhiều người tìm đến “vay vốn” tại những cơ sở tín ngưỡng ấy đang là hiện tượng có thật trong xã hội. Và, một khi đã gắn với niềm tin về tâm linh, đó lại là một câu chuyện cần được ứng xử rất tế nhị - và có thể chấp nhận, nếu những người trong cuộc cũng tự có sự chừng mực trong cách nghĩ, cách làm của mình.
Nhìn vào cảnh chen chúc của một biển người tại phủ Tây Hồ, nhìn đống tiền lẻ tràn ngập tại bàn thờ và các chân tượng – cũng như một núi hoa cúng được nhiều người thản nhiên vứt lại sau khi hành lễ, có lẽ chúng ta cũng phải nghĩ nhiều về hai chữ “chừng mực” ấy.
Thẳng thắn, việc “vay - trả” ở đây mang ý nghĩa tâm linh, mọi người chỉ nên coi là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng. Và chắc chắn, vẫn có một ranh giới không nhỏ giữa sự biết ơn và tấm lòng tri ân – nét đẹp vốn có trong đạo lý của người Việt - với sự mê tín thái quá, a dua chạy theo đám đông bằng suy nghĩ “trần sao âm vậy” rất kệch cỡm. .
Nói về quan niệm “vay – trả” ấy, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thường nói về chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) quê ông. Giai thoại cũ kể rằng, khi xưa, dân làng ở đây quyên tiền, đúc chuông đồng hiến chùa. Một người ăn mày đi qua góp một đồng tiền, làng chê tiền ăn mày không lấy nên vứt ra góc ruộng. Để rồi, khi đúc xong, chuông đánh không kêu - cho đến khi dân làng nhớ ra chuyện cụ, đi tìm đồng tiền ngoài ruộng, nấu chảy rồi đúc thêm vào.
Có nghĩa, như triết lý của người xưa, cái lễ cốt nằm ở chữ tâm - chứ không phải chuyện nhiều ít. Và, khi chuyện trả lễ cuối năm không xuất phát từ tâm thức - mà từ sự hám lợi về vật chất - thì sự nghiêm túc trong chuyện trả vay ấy bỗng trở nên quá đỗi tầm thường.
Sơn Tùng
Tags