Nghệ sĩ Thanh Thủy và Trung Dân đều đã rời khỏi sân khấu IDECAF từ lâu, nhưng năm 2023, dù không hẹn trước, cả hai lại gặp nhau ở mái nhà xưa này. Thế là cả hai có cuộc trùng phùng đầy ấn tượng qua vở kịch Bí mật giếng làng Khủm.
Đây là kịch bản mà Trung Dân đã viết từ nhiều năm trước, nhưng đến nay tính thời sự vẫn còn nguyên vẹn. Nghệ sĩ Thanh Thủy đã dàn dựng một cách khéo léo để biến một vở mang tính chính kịch, thành một câu chuyện trào phúng, tiếp cận được khán giả trẻ.
Từ chính luận châm biếm
Kịch bản gốc được Trung Dân đặt tựa đề là Cái giếng khơi. Nhiều năm trước, kịch bản này đã được dàn dựng tại Sân khấu kịch Phú Nhuận. Thời điểm đó, đạo diễn vẫn khai thác yếu tố hài dân gian, nhưng tính châm biếm kiểu chính luận rất nặng đô thì hơi xa gu thưởng thức thuần tính giải trí của số đông khán giả. Tuy nhiên, thời điểm đó, đây là vở diễn được xem là rất có cái để xem. Tiếc rằng vì nhiều lý do, vở diễn sớm bị xếp kho.
Hơn 10 năm qua, Trung Dân không sử dụng kịch bản này cho bất cứ nơi nào khác. Anh rất tiếc nuối, nhưng cũng đành phải tạm quên. Nhận lời mời của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Trung Dân trở lại IDECAF không chỉ với vai trò diễn viên, mà còn cống hiến với tư cách biên kịch, đạo diễn. Anh quyết định tái khởi động lại câu chuyện mà đến giờ anh vẫn thấy chưa lỗi thời. Thế là Cái giếng khơi của ngày trước trở thành Bí mật giếng làng Khủm.
Thanh Thủy trở về IDECAF cùng sứ mệnh như Trung Dân. Hồi 20 năm trước, tại mái nhà nghệ thuật này, Thanh Thủy cũng từng diễn rất ăn ý với Trung Dân. Đặc biệt, chị từng dựng vở do Trung Dân chấp bút. Vì vậy, Thanh Thủy có một niềm tin rất lớn vào khả năng sáng tạo của đồng nghiệp. Đó là lý do chị đồng ý dựng kịch bản Cái giếng khơi.
Chị nghiền ngẫm kịch bản và nhận thấy cần phải thổi vào đó một cái gì đó mới mẻ và hiện đại hơn, không chỉ ở việc đổi tên thành Bí mật giếng làng Khủm. Chị thêm nhân vật để tăng cường lực lượng diễn viên, để chuyện được dày dặn hơn. Chị cũng tạo thêm nhiều mảng miếng hài hước, tươi trẻ, dù vẫn giữ được chất chính luận châm biếm.
Có lẽ nhờ mạnh về hài nên Thanh Thủy đã biết cách tạo miếng, để cho ngay cả những diễn viên mới vẫn đủ sức làm cho khán giả cười. Một tình huống có thể kể ra đó là với nữ diễn viên mới toanh nói giọng Quảng Nam, Thanh Thủy đã yêu cầu cô bé này nói rặc chất giọng xứ sở mình, cho dù diễn viên kịch và điện ảnh luôn phải hạn chế nói giọng địa phương, để khán giả dễ hiểu. Sự cố tình này của chị, đặt trong bối cảnh câu chuyện, nó khiến cho vở diễn có thêm màu sắc, sự duyên dáng. Khán giả có thể sẽ còn chưa nhớ tên bạn diễn viên trẻ ấy, cũng như tên nhân vật, nhưng sẽ nhớ tình huống nói giọng Quảng rất hài hước này.
Cười ra nước mắt
Trung Dân vào vai tên lái buôn, đến từ xóm thượng (xóm trên). Vì đến từ một ngôi làng khác, được xem là bộ tộc khác, nên anh nói tiếng lạ mà dân trong làng Khủm không hiểu. Cái tình tiết nói tiếng lạ này của Trung Dân là một mảng hài vô cùng duyên dáng. Anh còn tạo dáng đi kỳ quái, cùng nét diễn đanh đá, nhưng hài.
Thanh Thủy thì đóng vai thông ngôn cho lái buôn. Bản thân chị đã quá giỏi về hài, nên đã góp phần tạo nên nhiều tình huống trái khoáy, gây cười. Một mảng hài rất sáng nữa là Quốc Thịnh. Lối diễn với đài từ và ngôn ngữ cơ thể rất khác biệt của Thịnh khiến cho người xem cười ra nước mắt.
Kịch bản mượn chuyện dân gian để kể một hiện tượng xấu xa, nên tên làng, tên nhân vật, các đại từ nhân xưng đều không theo chuẩn mực bình thường. Ví dụ như hoàng thượng được gọi là hoàng thướng, hoặc nước lạ được gọi là nước quen. Chính cách này phần nào góp phần tạo phong vị riêng cho vở kịch.
Điều đáng nói ở đây, đằng sau câu chuyện dân gian về một làng quê vô định nào đó, khán giả sẽ nhận ra lòng người hiểm ác, với nhiều âm mưu và thủ đoạn. Ở đó, người của làng thượng tìm đủ cách để tiêu diệt người làng hạ để mưu cầu lợi ích. Người xem sẽ nhận ra có gì đó khá thực tế trước cảnh làng thượng ngăn đập để làng hạ khô hạn, dân tình khốn đốn. Cuối cùng, bài học rút ra là sống trên đời đừng tham lam, ác độc, vì như thế sẽ nhận hậu quả cay đắng cho mình.
Tóm lại, Thanh Thủy và Trung Dân đã kể một câu chuyện rất hài hước, nhưng người xem sẽ suy ngẫm được rất nhiều thông điệp. Nói cách khác, với khán giả trẻ chưa trải nghiệm thì sẽ thích thú với lớp nghĩa đen. Còn với những khán giả trung niên, biết quan sát cuộc sống, sẽ cười ý nhị, sâu sắc theo nghĩa bóng.
Trong Bí mật giếng làng Khủm, Thanh Thủy còn dùng được ngôn ngữ của giới trẻ nên nó cập nhật và trẻ trung hơn. Được biết, sau vở diễn này, Thanh Thủy và Trung Dân sẽ tiếp tục hợp tác để tô đậm hơn phong cách kịch hài hước, châm biếm và trẻ trung mà hai người đều khá thích.
Tags