(Thethaovanhoa.vn) - Phóng viên tờ Telegraph vừa có trải nghiệm đặc biệt khi được lên một chiếc P3 Orion của Hải quân Australia, một trong những loại máy bay giám sát hàng hải hiện đại nhất hiện nay, để tham gia cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 đang bị mất tích.
Chúc mũi xuống vùng nước xoáy nằm ở Nam Ấn Độ Dương, chiếc P3-Orion - biệt danh "sát thủ săn ngầm", nhanh chóng rơi xuống độ cao 300 mét và tiếp cận với một địa điểm đơn độc trên biển, nơi có thể là điểm kết thúc của MH370.
Cuộc tìm kiếm bằng máy bay lớn nhất
Trên máy bay, một làn sóng phấn khích đã xuất hiện trong phi hành đoàn gồm 12 người. Họ đã bay suốt 4 giờ đồng hồ, từ một căn cứ không quân nằm gần Perth, để tới nơi hẻo lánh này. Tại một cửa sổ ở thân máy bay, sĩ quan John Hennig thò đầu vào phần kính đã được tạo hình lồi ra phía ngoài để tăng tầm quan sát.
“Chúng tôi tìm kiếm những thứ bất thường ở đây. Những thứ không thuộc về đời sống của các loại chim, động vật sống dưới biển và các con sóng" - anh nói - "Anh chọn một điểm rồi tập trung quan sát nó, trước khi chọn điểm tiếp theo để quan sát. Anh chỉ có từ 1-2 giây để nhận ra xem có gì bất thường trong nước không".
Bất chấp việc hoạt động tìm kiếm quốc tế dài 4 tuần đã bao phủ một khu vực rộng hàng trăm ngàn km2 tại một trong những vùng biển hẻo lánh nhất thế giới, không mảnh vỡ nào của chiếc máy bay được tìm thấy. Người ta nói rằng đây là cuộc tìm kiếm bằng máy bay lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. Mỗi nhiệm vụ tìm kiếm trong đó đều mang tới hy vọng tìm thấy chứng cứ giúp giải quyết bí ẩn gây sốc quanh vụ mất tích máy bay, khép lại nỗi đau buồn cho gia đình 239 hành khách.
Khi chiếc Orion tới gần khu vực tìm kiếm đã định, nằm ở vùng nước cách Perth 2.200km, nó lướt vào vị trí, giảm tốc xuống còn chưa đầy 450km/h. Trong lúc này phi hành đoàn gồm 10 đàn ông và 2 phụ nữ bắt đầu thực hiện chặng tìm kiếm đầu tiên trên 4 chặng. Mỗi chặng này sẽ dài 227km và cách nhau 27,2km. Phi hành đoàn sẽ có hơn 3 giờ tìm kiếm trên biển, trước khi thực hiện chuyến bay kéo dài 4 giờ trở lại căn cứ.
Thách thức từ sóng biển và ánh nắng
Vùng biển nơi máy bay hoạt động có gió nhẹ đạt tốc độ 40km/h và các con sóng cao từ 1m3 tới 1m8. Đây là điều kiện tốt, một sự khởi đầu hứa hẹn cho phi hành đoàn. Trên máy bay, mỗi bên thành sẽ có 4 người đứng tại những chiếc cửa sổ. 2 người khác ngồi tại các màn hình theo dõi hình ảnh do một chiếc camera gắn dưới mũi máy bay thu được. Ngay cả trong khoang lái, cơ trưởng, cơ phó và hoa tiêu cũng bắt đầu nhòm xuống biển, nhằm hỗ trợ cuộc tìm kiếm. Tất cả đều hy vọng sẽ tìm thấy thứ gì đó.
Đội tìm kiếm này, với khả năng bao quát một khu vực dài tới 10km nằm ở 2 bên thân máy bay, sẽ phải rà soát trên một diện tích rộng 25.900 km2. Thách thức họ đối mặt không hề nhỏ. Đầu tiên là những con sóng bạc đầu. Bất chấp việc tình trạng biển tương đối yên ả, những con sóng bạc đầu vẫn xuất hiện khắp nơi. Từ trên cao, trông chúng chẳng khác nào các mảnh vỡ tiềm năng. Việc phân biệt đâu là sóng, đâu là mảnh vỡ trở nên khó khăn.
Thứ 2 là tia sáng Mặt trời, chiếu tới từ hướng Tây và khiến cho hoạt động quan sát từ một bên máy bay trở nên không thể thực hiện được. Sau khi hoàn tất 2 chặng tìm kiếm đầu tiên, phi công quyết định giảm bớt hoạt động quan sát tại bên bị nắng chiếu. Nhưng việc này mang tới bất lợi: những người đứng bên cửa sổ máy bay sẽ phát hiện vật thể lạ hiệu quả hơn những người tìm kiếm thông qua màn hình máy tính. "Đôi mắt người vẫn là thứ tốt nhất mà chúng ta có" - Charlie Tomlinson, một thiếu úy phụ trách hoạt động tìm kiếm nói.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, phi hành đoàn hoàn tất 4 chặng tìm kiếm mà chẳng thấy điều gì. Ngay cả một lần báo động hụt cũng không có. Tại chặng cuối, một thành viên phi hành đoàn thả xuống phao thu dữ liệu, giúp giám sát dòng biển ở đây để phục vụ cho các nghiên cứu tương lai.
Mỗi nhiệm vụ tìm kiếm đều giá trị
Vào thời điểm này, cơ trưởng Benn Carroll, 29 tuổi, tham vấn với điều phối viên chiến thuật và quản lý hoạt động tìm kiếm rồi quyết định rằng máy bay vẫn còn rất nhiều nhiên liệu, đủ để bay thêm 2 chặng nữa. Chiếc máy bay quay trở lại, thực hiện chặng tìm kiếm thứ 5 và vẫn chẳng thu được gì.
Mặt trời bắt đầu lặn và tầm nhìn kém dần, khi chiếc máy bay định thực hiện chặng tìm kiếm cuối. Khoảng 8km sau khi máy bay quay đầu, sĩ quan hoa tiêu và liên lạc Nicholas Barr, người lúc này đang đứng bên phải máy bay hô lớn: "Dấu hiệu, dấu hiệu... Có vật thể dưới nước".
Sau này anh mô tả lại vật thể "nhỏ, có màu trắng, mang hình vuông". Nhưng vào thời điểm đó, anh bận rộn phát tin lại với mặt đất và những người còn lại trên máy bay lao vào hành động. Do máy bay đã lướt qua vật thể, người ta phải vòng lại và tìm nó.
Các phi công nhấn nút thả những thùng chứa đặc biệt và khói màu xuống mặt nước để đánh dấu khu vực tìm thấy vật thể nghi vấn. Trong lúc đó những người tìm kiếm căng mắt ra dò tìm vật thể này, hy vọng thấy nó lần thứ hai. Nhưng rồi chẳng ai thấy lại vật thể mà Barr đã phát hiện.
Chi tiết về phát hiện sau đó được gửi tới một tàu chiến Australia ở gần đấy và nó sẽ sẽ cố tìm vật thể lạ. Không có gì đảm bảo vật thể sẽ được tìm thấy và nếu người ta vớt được, rất có thể nó chỉ là phao lưới đánh cá, hoặc tệ hơn là rác biển.
Nhưng các cuộc tìm kiếm như thế này sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày, những tuần và thậm chí những tháng tới đây, với mục tiêu cuối cùng là phát hiện dấu vết MH370. Cơ trưởng Carroll nói rằng tinh thần của lực lượng tìm kiếm rất cao và mỗi nhiệm vụ đều có giá trị, kể cả khi nhóm tìm kiếm trở lại căn cứ Pearce trong cảnh "tay trắng".
“Đây là hoạt động tìm kiếm cứu hộ lớn nhất trong lịch sử hàng không" - anh nói - "Nếu chúng tôi không thể tìm thấy thứ gì hôm nay, chúng tôi vẫn có thể gửi lại thông tin, giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Hy vọng chuyện này sẽ giúp chúng tôi tìm thấy chứng cứ của MH370. Việc tìm thấy câu trả lời là điều rất quan trọng. Không chỉ dành cho các gia đình bị liên lụy mà với cả mọi người".
Tường Linh (Theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa
Tags