Triển lãm Nghịch đất của Cường Tuse vừa khai mạc tại TP.HCM. Nhưng viết về Cường Tuse khó lắm thay. Khó, bởi từ một họa sĩ chuyên khoa sơn dầu, anh bất ngờ nhảy sang làm tượng - một chuyên ngành khu biệt với hội họa - và có thành quả rất xuất sắc.
1. Cường Tuse (sinh năm 1962) tên đủ là Thế Cường, người Hải Phòng, nhưng hiện sinh sống ở TP.HCM. Anh tốt nghiệp khoa Sơn dầu, Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), rồi chuyển sang nặn tượng từ… thời kỳ dịch Covid-19. Tượng bày lần này là do anh làm từ đó đến nay.
Tôi gặp anh duy nhất một lần tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền những năm xa xưa, tôi không còn nhớ chính xác năm nào. Lần gặp ấy mới biết mặt nhau và cũng chẳng trò chuyện gì nhiều. Nhưng chỉ một lần ấy, những tranh màu bột anh mang ra triển lãm để lại cho tôi ấn tượng mạnh. Đó là lối xử lý ánh sáng.

Cường Tuse trong buổi khai mạc triển lãm
Tranh cấu trúc thì giản dị, chỉ một góc nhà, một hiên nhà, một vuông nhà thô ráp vắng lặng, không cả bóng người. Nhưng nó gây cảm giác đặc biệt. Đặc biệt, vì anh có lối thả ánh sáng trên tranh không dễ ai có thể bắt chước. Sau những mảng nắng chói chang là khoảng râm mát chìm trong suy tư. Một gam nóng đưa lên mặt giấy quán xuyến toàn bộ những gì anh muốn miêu tả.
Không vẽ người, nhưng xem tranh, tôi vẫn nhận ra được sau bức liếp, tường nhà có những con người mộc mạc, thô ráp sống trong đó. Thô ráp mà đôn hậu, cương trực, hồn nhiên như bánh đúc bày sàng. Tôi hay đi xem các triển lãm của đồng nghiệp. Nhiều người vẽ giỏi, nhưng chưa có ai vẽ màu bột mà khoảng sáng trên tranh để lại cho tôi ấn tượng ấm áp gần gũi như thế.
Rồi sau đó trên trang facebook tôi thỉnh thoảng gặp lại Cường. Vẫn nắng mái nhà, vách tường, mà biến ảo hút mắt người xem. Anh vẫn là người có cái nắng chói chang nhất để người ta không thể nhầm với ai khác. Đôi lúc anh lại đưa ra những tấm ảnh. Anh nói chụp chơi, nhưng chơi của anh cũng đặc biệt. Ánh sáng trong nhưng bức ảnh của anh biến ảo có phần ma mị. Mà cũng chỉ len lỏi ở một góc khuất của bờ tường, một vệt nắng bắt ngang mái nhà chạy vòng vèo rồi bất ngờ biến mất vào khoảng tối đâu đó. Anh chơi với ánh sáng hồn nhiên như đứa trẻ chơi kính vạn hoa, say sưa để hồn vía hút cả vào đấy.
2. Còn nhớ, giai đoạn đại dịch Covid-19 lên cao trào đã chặn đứng hầu như mọi sự xê dịch, các hoạt động kiếm sống cũng như nhu cầu giao tiếp xã hội của mọi người.
Bất ngờ trong giai đoạn đó lại thấy anh đưa lên Facebook những tượng nhỏ như người hút thuốc lào say đứ đừ và chân dung họa sĩ Thành Toàn khái quát bằng vài khối rất vu khoát (bay bổng), rồi đến cái ba toong vu vơ mà vẫn thấy người đang chống nó, dù không mảy may có người... Anh bảo anh nghịch đất. Ôi trời, cầu mong anh nghịch mãi đi, nghịch được lắm!

Một góc triển lãm
Những tượng anh làm, xem cái nào cũng thấy sự loay hoay tìm tòi để thể hiện được đúng cảm xúc của mình. Bên cạnh những tượng tả chân như bố, mẹ, chị Phượng, nhà phê bình Nguyễn Quân, Phan Vũ, Trần Dần, Phùng Quán, họa sĩ Trịnh Hồng Linh, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, bà Hà Thị Cầu hát xẩm... thì có những tượng tìm tòi cho ra tính cách nhân vật như nhạc sĩ Phó Đức Phương, kiến trúc sư Đoàn Đức Thành, thầy thuốc bạn anh Phó Đức Dục, họa sĩ Tạ Trí...
Không ngờ Cường lại có khiếu làm tượng và tư duy cho tạo hình phong phú thế. Những tượng chơi chơi đã thật kì tài. Nhưng phải đến loạt tượng chân dung Cường mới bộc lộ hết cái hay, dắt người xem đi chơi vui vẻ với các nhân vật thấm đẫm trong không khí nghệ thuật.
Vẽ chân dung không phải việc dễ, làm tượng chân dung càng khó hơn, rất dễ đi vào lối mô tả đơn điệu khi nắn cho đúng nhân vật. Nhưng Cường Tuse đắp tượng chân dung với các góc nhìn sắc sảo sau khi đã tìm hiểu kĩ về nhân vật, và có cái tinh quái của người sáng tác. Tượng chân dung của anh, là tác phẩm chân dung chứ không phải mô phỏng nhân vật. Anh đã làm việc rất nghiêm túc trên tinh thần nghệ sĩ chứ không phải việc của anh thợ nặn. Ròng rã hai ba năm qua, từ nghề "tay trái" với tượng, anh biến điêu khắc thành tay phải từ lúc nào không biết.
Sáng tác với anh là cuộc dạo chơi giàu lý trí, giàu cảm xúc. Anh chơi với thiên nhiên, với ánh sáng, với bạn bè, chỗ nào cũng vui. Phẩm chất nghệ sĩ đa năng trong anh được đa cảm xúc dựng dậy và anh mải miết đi với nó, tạo ra cái mới thật bất ngờ. Tôi không phải nhà điêu khắc để phân tích các khối, các diện của không gian 3 chiều và cách cảm của anh đi đến tác phẩm để nói ra được hết cái hay ở tượng Cường Tuse đã làm. Nhưng trực diện thấy anh rất phong phú cách biểu cảm, từ tả thực đến phá phách, có cái phá tung hoành. Nhưng vì thế mà tác phẩm sống động, có hồn, trở nên gần gũi với mọi người...
Với tôi vậy là rất thành công.Thích thì cứ làm thôi! Còn nghệ thuật với Cường là như vậy, cứ rỉ rả như những lời tâm sự khi anh trải lòng với điêu khắc nhỏ. Những giá trị anh tạo ra cứ róc rách như mạch nước nguồn trong vắt! Thật đáng yêu làm sao!
Không biết rồi đây Cường Tuse còn nghịch gì nữa. Nhưng tôi biết trong anh vẫn đầy sôi sục tìm tòi sáng tạo. Anh như con ngựa vạn lý độc hành, còn đi tiếp đến đường chân trời chứ chưa chịu dừng ở đoạn nào.
Triển lãm Nghịch đất diễn ra từ 15/4 - 21/4 tại trụ sở Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, TP.HCM)
Tags