(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/10, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã nhất trí đề xuất tội danh khinh thường Quốc hội đối với ông Steve Bannon, cựu cố vấn và là đồng minh lâu năm của cựu Tổng thống Donald Trump.
Với quyết định này, ông Bannon có thể bị truy tố hình sự vì tội từ chối hợp tác trong cuộc điều tra về vụ bạo loạn tại Đồi Capitol xảy ra ngày 6/1 năm nay.
Với 229 phiếu thuận và 202 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhất trí khuyến nghị đưa ra cáo buộc trên chống lại ông Bannon. Trong số nghị sĩ ủng hộ, có 9 Hạ nghị sĩ Cộng hòa và hầu hết trong số này cũng đã bỏ phiếu thuận với kiến nghị luận tội cựu Tổng thống Trump vào đầu năm nay liên quan đến "vụ bạo loạn 6/1".
Dự kiến, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có truy tố ông Bannon hay không.
Cuộc bỏ phiếu trên của Hạ viện Mỹ diễn ra sau khi Ủy ban đặc biệt phụ trách điều tra vụ bạo loạn trên ngày 19/10 nhất trí thông qua đề xuất tương tự.
Trước đó, Ủy ban đặc này đã gửi trát hầu tòa tới Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và cựu chiến lược gia Steve Bannon nhằm làm rõ vụ việc trên. Tuy nhiên, ông Bannon đã từ chối trình diện trước ủy ban này và cho biết luật sư của ông Trump đã đề nghị ông không ra trình diện.
- Hạ viện Mỹ 'sờ gáy' cựu cố vấn an ninh của Tổng thống D.Trump
- Cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ bị bắt
- Mỹ ráo riết điều tra vụ cựu Cố vấn An ninh quốc gia liên hệ với Nga
Nếu bị truy tố, ông Bannon có thể phải đối mặt với án phạt 12 tháng tù giam và 100.000 USD.
Các nhà điều tra cho rằng lời khai làm chứng của ông Bannon rất quan trọng trong việc làm rõ vai trò của cựu Tổng thống Trump trước và trong quá trình xảy ra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol vào đúng thời điểm Quốc hội Mỹ tiến hành chứng thực chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ khi đó là ông Joe Biden. Một số nhà lập pháp còn cho rằng ông Bannon bị triệu tập vì từng có phát biểu cho thấy ông biết trước về “những sự kiện bạo loạn” sẽ xảy ra vào ngày 6/1.
Thanh Hương/TTXVN
Tags