Ông Đoàn Phú Tấn là một chân dung tiêu biểu trong đời sống bóng đá và làng trọng tài Việt Nam. Một người giỏi nghề, mẫu mực, đầy tâm huyết với trái bóng tròn. Đã về “vui thú điền viên” nhưng ông vẫn đau đáu với thế sự bóng đá nước nhà. Một Đoàn Phú Tấn luôn sắc sảo trong mọi nhận định liên quan đến trái bóng tròn.
* Thể thao & Văn hóa: Dưới góc nhìn chuyên môn của một cựu Trọng tài-cựu Giám sát, xin ông cho biết những đánh giá khái quát của mình về công tác trọng tài của chúng ta hiện nay?
- Ông Đoàn Phú Tấn: Công tác trọng tài là rất khó khăn và dễ gặp “tai nạn nghề nghiệp”. Chỉ có ai không phải làm mà chỉ phán xét mới thấy nó dễ thôi. Vấn đề trọng tài thì ở bất cứ giải đấu nào, bất cứ thời điểm nào cũng câu chuyện muôn thuở. Trọng tài không tránh khỏi mắc sai sót, nhất là trong điều kiện các thiết bị truyền thông “bám sát” như hiện nay. Trọng tài quốc tế cũng sai nhiều chứ. Nhưng nhiều nơi đã có VAR, cái sai của trọng tài có cơ hội sửa được ngay và chẳng còn ai thắc mắc gì. Hy vọng Việt Nam ta sẽ có công nghệ VAR trong một tương lai gần.
Về đại thể, tôi cho rằng đội ngũ trọng tài đang cố gắng và thực hiện khá tốt công việc của mình, tuy chưa thể hoàn hảo.
* Một trong những điểm nhấn về công tác tác trọng tài đó là việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trọng tài trẻ cũng như nâng cấp chất lượng để có thêm nhiều trọng tài đạt chuẩn FIFA, nhìn nhận của ông về điều này?
-Công tác phát hiện, đào tạo trọng tài trẻ có thể vẫn được duy trì, có một số gương mặt trọng tài trẻ mới được sử dụng ở giải đấu trong nước vài năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn có câu nói quen nghe là: “Cố gắng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng”. Có một khó khăn là dư luận cũng như một số nhà quản lý chưa đủ kiên nhẫn để tạo môi trường cho anh em mạnh dạn thể hiện và giúp họ vượt qua khó khăn, sóng gió để không bị thui chột sớm.
* Bóng đá Việt Nam đang ở vị thế số 1 Đông Nam Á nhưng bây giờ chúng ta phải đi thuê trọng tài Thái Lan, Malaysia về điều khiển V-League, đó có phải nghịch lý, thưa ông?
- Việc trao đổi trọng tài của các nền bóng đá láng giềng không phải là hiếm, ở những giai đoạn quyết định của mùa giải. Tiếc là ở ta, gần đây không thấy “trao đổi” mà chỉ nhận “viện trợ” 1 chiều. Việc này thực tế giải quyết vấn đề “tâm lý” là chính, để các đội bóng không còn phải lo lắng, nghi ngại tính khách quan cũng như trình độ điều hành của trọng tài. Nhưng, không nên lạm dụng ở giai đoạn quá sớm của mùa giải.
* Từ thực trạng, năng lực của trọng tài như vậy, theo ông chúng ta cần thêm những giải pháp đặc biệt gì để nâng cao chất lượng đội ngũ “Vua sân cỏ” bóng đá nước nhà trong thời gian tới mà câu chuyện có được Học viện trọng tài là một ví dụ?
- Chúng ta đang nói rất nhiều về công tác đào tạo trọng tài trẻ để có được đội ngũ kế cận. Đã có những ý tưởng về chuyện Học viện trọng tài như thế này, thế kia. Nói nôm na Học viện là một mô hình để “chăn gà nòi” cho đội ngũ trọng tài. Chúng ta phát hiện để rồi từ đó họ được đào tạo, học hành bài bản với đội ngũ chuyên gia trong môi trường như thế. Tôi cũng rất tiếc khi đã từng có những nhân tố tốt nhưng rồi vì nhiều lý do khác nhau đã không thể tạo ra điều kiện cho họ phát triển.
Nếu có gì cần nói về “Học viện trọng tài”, tôi chỉ có một từ “buồn”. Hình như những người có trách nhiệm chưa hiểu hết thế nào là “Học viện trọng tài” cũng như lợi ích mô hình này mang lại. “Học viện trọng tài” không hề tốn kém như nhiều người nghĩ. Nó không đòi hỏi cơ ngơi, kinh phí khủng. Đây chỉ là một mô hình đào tạo mở, gắn với thực tiễn.Tôi lại nghĩ đơn giản thôi, Học viện là một mô hình để “chăn gà nòi”.
Qua một đời đào tạo trọng tài, tôi thấy tiếc vô cùng những nhân tố nhìn thấy có thể phát triển tốt, rồi chẳng đi đến đâu. Vì sao?
Một là, không có cơ chế chăm sóc đặc biệt, để thấy triển vọng thì phải chăm, từ đó mà sử dụng những người thầy đích thực chăm sóc những cái mầm non triển vọng ấy. Tất cả các học viên cứ theo một lối mòn mà đi, có năng khiếu cũng thui chột mà thôi. Chúng ta phải làm lớp lang chứ không thể quăng người ta vào môi trường chưa được hợp lý lắm.
Hai là, phải có một mô hình, để những người có triển vọng ấy, phải được phát triển theo một mô hình đặc biêt, một chương trình đặc biệt. Nói vắn tắt thế này. Chọn lựa một lứa trọng tài trẻ có tiềm năng để tập trung đào tạo. Đào tạo VĐV các môn thể thao đều cần làm vậy thôi.Tập trung huấn luyện, chu kỳ 1-2 lần mỗi năm, như những đợt tập huấn thông thường, tốn kém không đáng kể gì. Sau đó, cử những giảng viên dày kinh nghiệm theo sát họ trong thời gian họ làm nhiệm vụ các giải đấu quốc gia để uốn nắn, giúp họ vượt qua các thử thách một cách nhanh nhất, trưởng thành nhanh chóng.
Nói tóm lại, chúng ta phải có tư duy mới, tư duy đặc biệt để làm tốt câu chuyện này. Có nghĩa như thế mới phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng tài theo lối đi riêng chất lượng hơn chứ không thể làm theo kiểu “dàn hàng ngang” như bây giờ.
* Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Cần tái cấu trúc Ban Trọng tài “Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chỉ đứng ra thuê trọng tài của VFF. Lực lượng “cầm cân, nảy mực” chất lượng ra sao, hoạt động và phát triển thế nào… chịu trách nhiệm phải là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Vậy nhưng, hơn 2 thập niên bóng đá chuyên nghiệp phát triển thì chất lượng trọng tài ngày càng thụt lùi. Việc đào tạo trọng tài trong nước còn chưa được coi trọng đúng mức. Chưa có thống kê cụ thể trong hơn 20 năm bóng đá nước nhà lên chuyên, trọng tài được đào tạo bài bản bao nhiêu, chất lượng thế nào? Tất cả những số liệu đó cần phải được thống kê để thấy rõ quy trình đào tạo, sử dụng trọng tài Việt Nam.Năm nào cũng phải thuê trọng tài ngoại về giúp điều hành V-League ở chặng cuối. Họ là “cứu tinh” cho BTC giải bởi quan điểm sai sót của trọng tài ngoại sẽ không bị phản ứng dữ dội, thậm chí các đội không biết đổ lỗi cho ai. V-League chỉ còn 4 vòng, nỗi lo sợ lớn nhất của các đội bóng lúc này là soi sót của công tác trọng tài. Ban Trọng tài của VFF cần phải được cách mạng nhân sự, lề lối làm việc, mới hy vọng trọng tài Việt Nam thoát ra được sự yếu kém trầm kha.Đại hội VFF nhiệm kỳ 9 sắp tổ chức cần sớm kiện toàn Ban Trọng tài quốc gia; thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ trọng tài, giám sát mới theo kịp sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam”. |
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags