- Cách lựa bát tiết lộ 8 đạo lý cuộc sống: Lòng người như cái bát, bát đầy, bát vơi… nhìn vào thấu nhân phẩm
- Triệu phú tự thân tiết lộ dấu hiệu số 1 khiến bạn có thể bị sa thải - ngay cả khi bạn là nhân viên tài năng nhất: Hãy coi chừng!
- 2 cách kiếm bộn tiền của người Do Thái: Đầu tư đúng vào 1 nơi, tiền có thể đổ về vô tận
Trong khi thử nghiệm thả rơi quả trứng không vỡ đã được thực hiện vô số lần trước đây, nhưng cựu kỹ sư NASA Mark Rober còn muốn nhiều hơn thế. Anh muốn thả rơi quả trứng từ nơi cao nhất có thể và nó vẫn an toàn sau thí nghiệm.
Khi các tòa nhà đang ngày càng cao hơn theo thời gian nên Mark quyết định chọn một nơi không tòa nhà nào có thể vươn tới - ngoài không gian vũ trụ - để thả rơi quả trứng của mình. Thậm chí anh còn quay phim lại toàn bộ quá trình này.
Mark Rober gọi đây là đoạn video "tiêu tốn tiền bạc nhất, tốn công sức nhất, hao tổn ý chí nhất" mà anh từng thực hiện khi phải mất đến 3 năm với vô số lần thử sai khác nhau, Rober và nhóm của mình mới thực hiện được dự định của mình. Hợp tác với anh còn có kỹ sư Joe Bernard, một chuyên gia tự học về tên lửa và không gian vũ trụ, đến từ kênh YouTube BPS.Space.
Kế hoạch của anh bao gồm việc gắn một quả trứng lên phía trước tên lửa và sau đó gắn tên lửa đó lên một khinh khí cầu thời tiết đang bay ra ngoài không gian. Khi đến nơi, tên lửa sẽ được tách ra khỏi khinh khí cầu và được tăng tốc vượt quá tốc độ âm thanh khi rơi về phía Trái Đất.
Hơn thế nữa, 4 cánh gắn ở phía đuôi tên lửa sẽ được điều chỉnh để nó hạ cánh chính xác lên một nệm trên Trái Đất. Để thực hiện được kế hoạch cao cả này, Rober và các kỹ sư khác chia nhỏ nó thành nhiều bước khác nhau. Bắt đầu bằng việc tính toán vận tốc cuối cùng của quả trứng – lên tới 120 km/h.
Sau đó cả nhóm còn thực hiện một loạt thử nghiệm khác để xem liệu quả trứng có bị vỡ khi va vào một tấm nệm với tốc độ đó hay không. Họ nhận ra rằng hóa ra tấm nệm có thể bảo vệ cho quả trứng ngay cả khi nó đâm vào với tốc độ còn lớn hơn nữa. Để dự phòng cho cả các sai sót trong tính toán vị trí hấcnh của quả trứng, trên thực tế tấm nệm này được tạo thành từ hàng chục tấm nệm thông thường và được đặt trên cánh đồng tại một thị trấn nhỏ.
Ngoài ra Rober còn phải bổ sung một số bộ phận sưởi ấm xung quanh quả trứng để đảm bảo nó không bị đóng băng trong không gian. Các bộ phận này cũng được thiết kế để rơi ra trước khi quả trứng hạ cánh xuống Trái Đất. Ngoài ra quả trứng còn được bảo vệ bởi một lớp nệm hơi khác – tương tự như túi khí bảo vệ cho xe tự hành khám phá Sao Hỏa của NASA – để giữ an toàn cho quả trứng trước khi hạ cánh.
Clip thả rơi quả trứng từ ngoài không gian của Mark Rober.
Nhưng thách thức chưa phải đã hết, tên lửa khi rơi xuống cần được hãm đà rơi bằng một chiếc dù, nhưng không loại dù thông thường nào chịu được cú rơi như vậy khi liên tục bị hỏng. Cuối cùng Rober và nhóm của mình tạo ra được một chiếc dù làm từ loại nilon phế liệu được sử dụng trong quá trình thử nghiệm dù hạ cánh cho xe thăm dò Sao Hỏa của NASA. Ngoài ra các khó khăn về thời tiết xấu cũng phải được tính đến trong thử nghiệm này.
Cuối cùng sau nhiều năm nỗ lực, khinh khí cầu chứa đầy Heli của nhóm mang theo tên lửa gắn quả trứng bay tới độ cao hơn 30km khỏi bề mặt Trái Đất – dù chưa chính thức bước ra ngoài không gian vũ trụ - nhưng độ cao này vẫn đủ cho quả trứng đạt tới tốc độ 120 km/h khi rơi xuống Trái Đất.
Ngay cả các tính toán kỹ lưỡng nhất cũng không thể dự đoán được các tình huống bất ngờ. Cuối cùng tên lửa lại đi chệch hướng so với các tính toán ban đầu, buộc cả nhóm phải đuổi theo và tìm kiếm nó ngoài hoang mạc. Thật may mắn, quả trứng vẫn còn nguyên vẹn.
Rober cho biết trong video: "Năm sau chúng tôi sẽ làm điều này trên Sao Hỏa."
Hiện tại Rober đang nắm giữ 2 kỷ lục Guiness Thế giới: một cho đài phun kem đánh răng lớn nhất thế giới dành cho Voi và một kỷ lục khác cho chuỗi domino lớn nhất được thiết kế để đổ trong vòng 1 giờ. Có vẻ anh sẽ giành được một kỷ lục mới cho màn thả rơi trứng an toàn từ nơi cao nhất từ trước đến nay. Cho đến thời điểm hiện tại, video của anh trên YouTube đã thu hút hơn 23 triệu lượt xem chỉ trong 7 ngày.
Tổng hợp Futurism, Interesting Engineering