(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi được các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu, ngày 16/2, bệnh nhân Sín Cắm Sủi (sinh năm 1970, ngụ tại ấp 4, xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã qua cơn nguy kịch, có thể tự đi lại, ăn uống bình thường.
Bác sĩ Phạm Quang Huy - Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất) cho biết: Ngày 11/2, anh Sín Cắm Sủi được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất trong tình trạng bệnh rất nặng, bị hôn mê hoàn toàn, không đo được mạch huyết áp, rung thất do bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ phải mất hơn 2 giờ mới hồi sức thành công cho bệnh nhân.
Bác sĩ Lâm Hùng Hạnh, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất tái khám cho ông Sín Cắm Sủi. Ảnh: Ngọc Thư - Báo Đồng Nai
Kết quả chụp mạch vành cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải của tim kèm nhiều huyết khối. Các bác sĩ lập tức tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu bằng cách dùng ống thông nhỏ để đưa một bóng nhỏ từ phía ngoài vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt stent, quá trình đó đã làm thông đoạn động mạch bị tắc, qua đó tái thông dòng máu của người bệnh.
Bác sĩ Huy cho biết thêm: Đây là một ca bệnh rất khó vì khi nhập viện bệnh nhân đã ngưng tim, mạch không, huyết áp không. Thành công của ca bệnh ngoài cố gắng của đội ngũ bác sĩ còn do bệnh viện được trang bị nhiều máy móc hiện đại.
Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa Thống Nh ất đã trở thành Bệnh viện vệ tinh về can thiệp tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh). Nhờ được các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật, từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện đa khoa Thống Nh ất đã thực hiện thành công gần 500 ca chụp động mạch vành, can thiệp tim mạch, trong đó có nhiều ca nhồi máu cơ tim. Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phải chuyển lên tuyến trên cũng giảm từ 39% (năm 2014) xuống còn hơn 4% vào năm 2015.
Công Phong - TTXVN
Tags