(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/7, Bác sĩ Lâm Kim Hường - Phó Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của khoa lần đầu tiên ứng dụng thành công bơm Surfactant bằng kỹ thuật LISA, cứu sống một trẻ sơ sinh sinh non 25 tuần tuổi với cân nặng 740 gram.
- Bắt giữ 'nữ nhân viên y tế tử thần' giết hàng loạt trẻ sơ sinh
- Bộ Y tế yêu cầu làm rõ tông tin trẻ sơ sinh chết vì bác sĩ không làm theo yêu cầu của gia đình
- Thông báo kết luận ban đầu về nguyên nhân 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bắc Ninh
Trước đó, ngày 28/6, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu sản phụ Nguyễn Thị K. P (sinh năm 1995, ngụ thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Sau cấp cứu, khoảng 16 giờ cùng ngày, sản phụ P sinh một bé gái mới 25 tuần, với cân nặng chỉ 740 gram. Sau sinh, toàn thân bé gái tím tái, không thở, không phản xạ, trương lực cơ mềm nhão. Ngay lập tức, kíp trực đã tiến hành hồi sức tích cực và chuyển bé gái lên Khoa Sơ sinh điều trị. Tại Khoa Sơ sinh, bé được thực hiện hồi sức tích cực và hỗ trợ thở máy, chụp X-quang khẩn và làm các xét nghiệm ban đầu.
Qua chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện bé mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, bệnh màng trong giai đoạn 3, với biểu hiện tứ chi tím lạnh, thở không đều, co lõm ngực. Bé được tiên lượng nếu không kịp thời điều trị sẽ tử vong ngay lập tức. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn viện, tiến hành bơm Surfactant bằng kỹ thuật LISA và kết hợp xử trí thở áp lực dương liên tục. Đây là phương pháp điều trị trong 24 giờ đầu sau sinh để điều trị cho các bé sinh non tháng được chẩn đoán bệnh màng trong. Sau 6 giờ điều trị tích cực, đến gần 22 giờ ngày 28/6, tình trạng suy hô hấp của bé sơ sinh được cải thiện, bé thở được, nhịp tim ổn định. Sau nhiều ngày điều trị, đến sáng 4/7, bé có sinh hiệu ổn định và đã ăn được sữa mẹ. Hiện mẹ con sản phụ P vẫn đang tiếp tục điều trị tại Khoa Sơ sinh.
Theo Bác sĩ Lâm Kim Hường, việc cứu sống bé gái sơ sinh sinh cực non chỉ nặng 740 gram là một kỳ tích của các bác sĩ Bệnh viện. Điều trị bệnh màng trong bơm Surfactant bằng kỹ thuật LISA đây là phương pháp điều trị tiên tiến lần đầu tiên được bệnh viện áp dụng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong điều trị cho trẻ sinh non dưới 30 tuần tuổi, giúp hạn chế các biến chứng liên quan đặt nội khí quản, hạn chế việc dùng thuốc an thần và giảm tổn thương phổi do thông khí cơ học cho trẻ.
Việc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ thực hiện thành công bơm Surfactant bằng kỹ thuật LISA để điều trị bệnh màng trong của trẻ sơ sinh non tháng là bước tiến mới của ngành Y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mở ra cơ hội điều trị, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi mắc bệnh và sinh non.
TTXVN/Thanh Sang
Tags