(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những nguyên nhân khiến nạn bạo lực sân cỏ ở Việt Nam trở nên nhức nhối là tiếng còi của trọng tài vẫn chưa đủ nghiêm khắc trước các hành vi thô bạo của cầu thủ. Nhiều trọng tài vẫn đổ “tại, vì, do, bởi” cho các nguyên nhân khách quan. Cựu trọng tài Hoàng Ngọc Tuấn (TP.HCM) cho rằng trọng tài cần phải biết rèn bản lĩnh để “không biết sợ” khi làm nhiệm vụ.
Trọng tài Hoàng Ngọc Tuấn (biệt danh Tuấn “bún”) là trọng tài trẻ giàu năng lực đã từng bắt chính trong 3 mùa giải V.League (2006, 2007, 2009) trước khi giải nghệ để chuyển sang công tác quản lý thể thao.
Ông Tuấn hiện là Phó chủ nhiệm trung tâm TDTT Thống Nhất, tức SVĐ Thống Nhất. Qua Thethaovanhoa.vn, ông Tuấn chia sẻ quan điểm của mình về kinh nghiệm trong nghề cũng như kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp cầm còi, điển hình là phạt thẻ đỏ trực tiếp trung vệ Huy Hoàng ngay tại sân Vinh ở V.League 2007
“Ngăn chặn bạo lực là nhiệm vụ của trọng tài”
Cuối năm 2005, đầu năm 2006 bóng đá Việt Nam trải qua cú sốc khi một loạt trọng tài kỳ cựu dính vòng lao lý. Tôi lúc đó là trọng tài trẻ chỉ mới bắt ở giải hạng Nhì, chưa được bắt cả VCK U.21 Quốc gia nhưng đã được chọn lựa đào tạo cấp tốc để bắt giải V.League 2006.
Huy Hoàng, từng là "thủ phạm" đồng thời cũng là nạn nhân của các pha vào bóng bạo lực.Ảnh: V.S.I
Cùng được đôn đợt đó có Hoàng Anh Tuấn (Hà Nội), Nguyễn Xuân Hòa (Đăk Lăk, giải nghệ sau vụ bẻ còi ở sân Chi Lăng), Phạm Quang (Gia Lai, đã nghỉ vì bệnh tim).
Sau mùa giải V.League đầu 2006 và lượt đi V.League 2007 suôn sẻ, lượt về tôi được chỉ định bắt trận SLNA tiếp ĐT.Long An, đội khi đó là ĐKVĐ do HLV Calisto dẫn dắt. Hồi đó ĐT.Long An dù rất mạnh nhưng chưa từng thắng SLNA ở sân Vinh.
Vào trận, SLNA chơi bài đá rắn phủ đầu quen thuộc và Huy Hoàng luôn là thủ lĩnh. Ở hiệp 1, Huy Hoàng phạm lỗi, tôi phạt anh ta 1 thẻ vàng cảnh cáo, nhắc nhở đá bình tĩnh, đúng luật. Hoàng phản ứng và thách thức: “Đố ông đuổi được tôi đấy”.
Sang giữa hiệp 2, ĐT.Long An có tình huống tấn công, bóng đến chân tiền vệ Xuân Trúc và khi Trúc vung chân chuẩn bị sút xa thì Huy Hoàng lao tới bay người phi 2 chân găm vào đầu gối. Thấy Huy Hoàng phi người quá hung dữ, Xuân Trúc ghìm chân lại nương theo đà lao của Hoàng né nhưng không kịp.
Trúc dính đòn bật tung người lên không lộn vòng xuống đất rồi nằm im, dưới đầu gối đỏ tấy và được cáng ra sân, không thể thi đấu được nữa. Pha đó nếu Xuân Trúc “cương” để sút bóng chắc chắn chân sẽ gãy đôi. Thấy Huy Hoàng đá quá ác, tôi rút luôn thẻ đỏ trực tiếp phạt anh ta chứ không phải phạt thẻ vàng thành thẻ đỏ. Cộng với thẻ vàng bị nợ ở vòng trước thì với thẻ đỏ trực tiếp Huy Hoàng phải nghỉ đến 3 trận”.
“Tất nhiên Huy Hoàng, phía BHL và khán giả SLNA phản ứng rất dữ dội vì ai cũng biết ở sân Vinh phạt thẻ đỏ cầu thủ đội chủ nhà, mà lại là Huy Hoàng thì không đơn giản. Tôi vẫn không nao núng.
Đến cuối trận, tôi còn từ chối cho SLNA được hưởng 1 quả phạt đền khi Công Vinh sút trúng tay Hoàng Thương trong vòng cấm. Tôi nhận định, Vinh sút bóng ở cự ly quá gần, khoảng 5m còn Thương khép tay vào thân người, bóng đi mạnh quá trúng bật tung tay ra nên tôi không thổi còi”
Sau trận đấu, ĐT.Long An thắng 4-2, nhiều cầu thủ, lãnh đội phản ứng rất dữ, khán giả cũng vây ở ngoài để “đòi xử” trọng tài nhưng rốt cuộc tôi và các trợ lý vẫn ra về bình yên. Ngày hôm sau, nhiều tờ báo còn nhận định SLNA đã bị từ chối quả 11m quá rõ ràng nhưng sau đó khi mổ băng BTC giải xác định tôi đúng”
“Đó là kỷ niệm không bao giờ quên của tôi trong sự nghiệp cầm còi. Tôi nghĩ việc giữ được sự bình tĩnh, lạnh lùng và nhất là không sợ sức ép đã giúp tôi có những quyết định dứt khoát, không nhân nhượng ở sân Vinh hôm đó. Nghĩ lại, tôi thấy tự hào vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ, trừng phạt hành vi đá bóng ác ý”
Nếu đổ lỗi cho khách quan thì trọng tài khó tiến bộ
“Làm trọng tài ở Việt Nam không dễ, rất nhiều sức ép bủa vây từ phía cầu thủ, HLV, khán giả nhất là ở các sân như Lạch Tray, Vinh hay Nam Định. Rồi phía sau hậu trường nữa khi ở CLB người này, người kia gọi điện “méc” BTC giải trọng tài bắt thế nọ, thế kia…
Tôi nghĩ nếu đã yêu thích và dấn thân làm nghề trọng tài thì phải lường trước, chấp nhận và vượt qua những sức ép đó. Trọng tài phải thắng được chính mình, phải vượt qua được nỗi sợ hãi để đưa ra những quyết định dứt khoát mà mình nhận định rõ ràng. Tôi không cho quyết định kiểu như phạt thẻ đỏ Huy Hoàng là dũng cảm mà là hành động đúng luật, không nhân nhượng với hành động phi thể thao, cố ý gây chấn thương cho người khác”
“Nếu trọng tài không chuẩn bị tâm lý cứng cỏi, bản lĩnh vững vàng để rồi bị tác động bởi yếu tố xung quanh thì rất dễ mất kiểm soát trận đấu. Một khi đã mất kiểm soát rồi hay thổi kiểu “dĩ hòa vi quý”, tai vạ rất hay xảy ra vì cầu thủ sẽ không sợ trọng tài, đá càn đá bậy rồi dễ dẫn đến hỗn loạn. Kinh nghiệm của tôi là cứ bắt chặt tay theo những gì mình thấy là đúng, còn nếu chẳng may quyết định sai thì biết trăn trở để rút kinh nghiệm vì sai sót chắc chắn không thể nào tránh được. Trọng tài không nên đổ lỗi cho lý do khách quan vì nếu đổ lỗi mình sẽ không thấy cái sai, cái yếu kém của mình, rất khó tiến bộ”.
“Những năm trong nghề tôi thấy, nhiều cầu thủ Việt Nam đá ở trong nước chơi bóng rất bạo lực hay đá bậy và họ nhìn mặt lẫn thái độ của trọng tài để đá nhưng khi ra nước ngoài gặp trọng tài nghiêm khắc, họ lại không dám.
Các cầu thủ ngoại khi mới đến Việt Nam họ rất sợ cách đá của cầu thủ Việt Nam nên họ thường chờ đợi tiếng còi của trọng tài bảo vệ họ. Nếu trọng tài không bảo vệ cầu thủ khỏi lối chơi thô bạo, ác ý thì khiến cầu thủ đánh mất niềm tin. Tôi cho rằng, trọng tài là người bảo vệ cuộc chơi, trọng tài làm đúng làm tốt nhiệm vụ của mình thì bạo lực sân cỏ chắc chắn sẽ giảm.”
Đăng Khoa (ghi)
Tags