Tại SEA Games 31 vừa qua, thông điệp “Nói không với doping” được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, lúc này câu chuyện doping đang nóng lên dù đại hội đã kết thúc hơn 3 tháng.
1. Ở cả 2 lần tổ chức SEA Games, thể thao Việt Nam đều để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về thành tích chuyên môn lẫn công tác tổ chức cũng như lòng hiếu khách, đặc biệt là SEA Games 31 mới đây, diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng bằng nỗ lực của nước nhà chủ đã làm nên ngày hội thể thao ấn tượng cho khu vực Đông Nam Á
Tuy nhiên, hình ảnh đẹp đó ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi sự cố doping vừa qua khi hàng loạt các tuyển thủ quốc gia, kể cả những người giành được huy chương tại SEA Games 31 có kết quả dương tính với mẫu thử A.
Thực ra, doping với thể thao Việt Nam không hề là câu chuyện mới mà tuyển thủ cử tạ Hoàng Anh Tuấn là một ví dụ điển hình. Đô cử Hoàng Anh Tuấn từng giành HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008 hạng 58 kg nam. Sau đó, khi tham gia thi đấu tại giải cử tạ VĐTG tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9/2010 bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine, bị cấm thi đấu 2 năm (2010-2012). Chất Oxilofrine mà VĐV Hoàng Anh Tuấn dính phải nằm trong danh mục chất cấm của Cơ quan phòng chống doping thế giới WADA, song đây là loại chất không nằm trong nhóm chất mà các VĐV thường sử dụng để gian lận nhằm tăng thành tích trong thi đấu.
Với một người từng "trong cuộc", Hoàng Anh Tuấn bày tỏ sự tiếc nuối về vụ việc các VĐV Việt Nam dương tính doping tại SEA Games 31: “Tôi nghĩ họ không may mắn thôi. Có thể họ cũng đã ý thức trong việc này nhưng chỉ cần những sơ sẩy nào đó trong quá trình tập luyện trước đó thì sẽ trả giá ngay. Do đó, các VĐV cần hết sức cẩn thận và không được chủ quan để tránh những tình huống đáng tiếc như thế. Tôi cũng là người từng dính doping nên thấu hiểu điều đó”.
Cựu VĐV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ rằng sự việc như thế nói chung rất buồn, nhất là với các VĐV: “Đâu phải VĐV nào cũng có cơ hội để tham dự SEA Games hay giành huy chương SEA Games trong sự nghiệp đỉnh cao của mình. Bây giờ dính đến việc dùng chất cấm như thế, cần phải làm rõ nguyên nhân. Có nhiều tình huống, khả năng xảy ra lắm, nhưng chắc chắn là hệ quả thì rất nặng nề. Nếu cấm thi đấu 2 năm thì VĐV còn có cơ hội trở lại chứ cấm 4 năm thì khó, bởi tuổi thọ thể thao là rất ngắn”.
Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng chính sự chủ quan, thiếu hiểu biết đã khiến các VĐV không lường hết trước hậu quả: “Nói thật, với sự nghiệp của mỗi VĐV, không ai tài giỏi gì để hoàn hảo cả, có những sự việc xảy ra ngoài ý muốn, là những rủi ro hay “tai nạn”. Nói như thế không phải để bênh vực, nhưng trong suốt cả quá trình tập luyện, thi đấu sẽ không tránh khỏi những sơ suất. Mỗi bộ môn thể thao thường có khoảng trên dưới 30 VĐV và Ban huấn luyện 5 - 7 thành viên luôn dõi theo sát sao quá trình ăn tập hàng ngày. Dù vậy, cũng khó mà giám sát 24/24 giờ những vấn đề sinh hoạt, ăn uống của học trò”.
2. “Thực tế, hiện nay trong danh mục có đến hơn 200 chất cấm”, cựu VĐV Hoàng Anh Tuấn cho biết rồi chia sẻ: “Thậm chí, có những loại thuốc phổ biến mình hay sử dụng cũng chứa những chất này. Như ở trên tôi có đề cập đến chuyện rủi ro chính là nằm ở chỗ các VĐV sử dụng thuốc men để điều trị những bệnh thông thường như cảm cúm, đau đầu…nhưng trong các loại thuốc đó lại có các loại chất nằm trong danh mục chất cấm. Đó chỉ như lỗi vô tình chứ không phải họ cố ý sử dụng các loại chất kích thích để nhằm tác động, nâng cao thành tích.
Thêm một vấn đề nữa mà các VĐV phải hết sức lưu tâm khi làm các thủ tục văn bản, giấy tờ để kiểm tra doping đó là khai báo trung thực, chi tiết để còn làm bằng chứng về sau: “Thường trước khi đưa vào kiểm tra doping, cơ quan chức năng sẽ có những tờ khai dành cho VĐV. Những tờ khai đó luôn có nội dung: “Trong vòng 30 ngày trở lại đây, anh chị có sử dụng thuốc chữa bệnh gì không?”. Thường các VĐV của ta chủ quan nên bỏ qua, không trả lời cụ thể.
Đến khi kiểm tra doping xong thì lại phát hiện ra chất gì đó mà VĐV sử dụng khi chữa bệnh thông thường thì trong tờ khai lại không có nội dung này. Thế thì thua rồi khi không có gì đối chiếu. Cùng với đó, các VĐV phải giữ lại các đơn thuốc, toa thuốc chữa bệnh từ bác sĩ, bệnh viện để làm chứng cứ. Nếu không khai báo từ đầu sẽ không có thông tin, không có chứng cứ để so sánh và nhận được sự xem xét giảm nhẹ án phạt”.
Á quân Olympic Bắc Kinh 2008 còn cho biết, hiện tại trên cương vị là HLV đội trẻ đội tuyển cử tạ quốc gia, ông luôn có trao đổi với Trung tâm phòng chống doping và luôn nhắc nhở VĐV nhiều vấn đề về doping. Cụ thể, trong vòng 1 tháng trước khi thi đấu, các VĐV phải báo với Nan huấn luyện về những loại thuốc họ đang dùng để tránh những trường hợp ngoài ý muốn: “Trong công tác phòng chống doping thì kiến thức, sự hiểu biết của các VĐV là hết sức cần thiết. Quan trọng nhất, các VĐV phải nâng cao ý thức tự phòng tránh. Nếu có vấn đề gì xảy ra hay mình sử dụng thuốc men gì phải báo cáo trung thực, rõ ràng để xử lý nghiêm túc”.
3. Tấm HCB Olympic Bắc Kinh 2008 đã đưa tên tuổi VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn vào danh sách những VĐV tài danh của thể thao Việt Nam. Nhưng rồi, sau phút giây thăng hoa ấy, có quá nhiều biến cố xảy ra với một VĐV trẻ trong sự nghiệp đỉnh cao. Thất bại đáng tiếc SEA Games 2009 khiến Hoàng Anh Tuấn vẫn lỡ hẹn tấm HCV tại các kỳ đại hội thể thao khu vực. Rồi sự cố doping khiến Hoàng Anh Tuấn lỡ luôn cơ hội tham dự Olympic London 2012.
Nhớ lại thời điểm đó, Hoàng Anh Tuấn trải lòng: “Nói thật, với một VĐV chuyên nghiệp, không có gì buồn hơn ngoài chuyện bị cấm thi đấu.Trong thời gian bị cấm thi đấu, ban đầu tôi đã dành thời gian để làm những công việc khác ngoài thể thao để bình tâm trở lại. Tôi về với quê hương, gia đình, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, phụ giúp bố mẹ. Gặp gỡ bạn bè người thân để nhận được những sẻ chia giúp tâm lý tôi được nhẹ nhàng sau vấp ngã, sai lầm. Lúc đó, tôi cũng đã suy nghĩ nếu không thể quay lại với thể thao đỉnh cao thì phải luôn có những phương án khác cho cuộc đời của mình”.
Cựu tuyển thủ Hoàng Anh Tuấn cho rằng một số các VĐV có thành tích nếu dính phải doping không thể tiếp tục sự nghiệp thi đấu của mình vẫn có thể gắn bó với thể thao qua các kênh khác nhau: “Với cá nhân tôi lúc đó cũng may mắn nhận được sự động viên, hậu thuẫn của địa phương, lãnh đạo bộ môn, lãnh đạo Tổng cục TTDT để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bây giờ, nếu các bạn VĐV do án phạt nếu không tiếp tục thi đấu, có thể sẽ được tạo điều kiện để họ học thêm lên Đại học hay bổ sung kiến thức để làm công tác đào tạo, góp sức cho địa phương, cho bộ môn. Tôi nghĩ cũng không ai bỏ rơi các VĐV đâu nếu họ biết nhận ra sai lầm, khắc phục, sửa sai và muốn tiếp tục gắn bó, cống hiến cho thể thao”.
Vấn nạn doping vốn nhức nhối với thể thao thế giới, nên các nước mới phải ký vào hiệp ước nói không với các chất cấm. Tuy nhiên, vì bệnh thành tích nên không phải VĐV nào (thậm chí lãnh đạo bộ môn thể thao nào) cũng dũng cảm nói không với doping. Với thể thao Việt Nam, chúng ta phải trả giá rất đắt khi 17 năm qua, có 16 VĐV đã bị phát hiện sử dụng chất cấm ở nhiều giải quốc tế. Cử tạ là môn có nhiều VĐV dính nhất, với 6 đô cử “dính chàm”. Điều đáng nói, 5/6 trường hợp của môn này rơi vào các lực sĩ từng vô địch thế giới hay vô địch giải trẻ thế giới, thậm chí giành HCB Olympic. Trong kỳ SEA Games 2003 đại thắng trên sân nhà, thể thao Việt Nam cũng có 4 trường hợp dính doping. |
Trần Tuấn (ghi)
Tags