(Thethaovanhoa.vn) - Đối với phần lớn các thế hệ tuyển thủ Việt Nam, từ "thế hệ vàng" của Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Văn Sỹ, Vũ Minh Hiếu..., đến "thế hệ bạch kim" với Minh Phương, Thế Anh, Dương Hồng Sơn, Công Vinh, Quang Thanh, Thanh Bình... sau này, HLV Alfred Riedl là một người thầy đáng kính.
Ngay cả những học trò đã phạm lỗi ngày nào như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh... cũng một mực biết ơn!
Dưới triều đại Alfred Riedl, bóng đá Việt Nam có 3 chiếc HCB SEA Games, các năm 1999, 2003 và 2005; 1 ngôi á quân Đông Nam Á Tiger Cup 98, thêm một số danh hiệu ở các giải giao hữu - tập huấn như LG Cup hay JVC Cup. Mặc dù vậy, thứ bóng đá mà cựu chiếc Giầy đồng châu Âu này mang tới, lại bị nhiều người cho là khô cứng, nhàm chán, thậm chí không hợp với thể trạng của chúng ta. Cứ chồng biên, lật cánh đánh đầu, trước mọi đối thủ... dường như, những ngôi á quân mà ông Riedl có được cùng các đội tuyển Việt Nam là minh chứng cho thứ nhận định đó.
Nhưng nên nhớ, cũng với thứ bóng đá đó, những học trò của Alfred Riedl từng quật ngã đương kim đệ tứ anh hào thế giới Hàn Quốc, tại vòng loại Asian Cup 2004 với tỷ số 1-0. Là trận thắng UAE 2-0, hòa Qatar 1-1, vòng bảng Asian Cup 2007. Cũng năm 2007, đội tuyển Olympic Việt Nam đã hạ cả Oman lẫn Lebanon cùng với tỷ số 2-0 ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, giúp bóng đá Việt Nam có cơ hội tiếp cận tấm vé dự Thế vận hội mùa Hè, ngang bằng với Hàn Quốc, Nhật Bản hay Australia hùng mạnh.
Alfred Riedl vẫn được biết đến với câu nói bất hủ: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc". Ngoài ra, còn một câu khác ít người biết: Ai xung phong làm đội trưởng giơ tay lên! Đó là một buổi họp kín của U23 Việt Nam trước thềm SEA Games 2003 trên sân nhà, sau khi đội trưởng Vũ Như Thành bị kỷ luật từ sau JVC Cup 2003, giải đấu tập huấn khai sân Mỹ Đình. Phòng họp im phăng phắc và ở cuối dãy ghế, một cánh tay đưa lên, từ một cầu thủ cao kều, râu tóc tua tủa như Tây. Đó là Nguyễn Hữu Thắng, tức Thắng "Thòn" và phần sau đó là lịch sử.
Với một người có nhiều đóng góp, công trạng cho nền bóng đá, khi ông mất đi, để lại bao tiếc nuối. Chúng ta biết ơn ông Alfred Riedl, bởi đó là đạo lý - Ăn quả nhớ người trồng cây.
Vinh quang thì dễ nhớ và cũng dễ nhắc, mỗi khi hồi tưởng hay tri ân một ai đó. Còn cay đắng và thất bại thì sao? Như đã nhắc ở đầu bài viết, với nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam, HLV Alfred Riedl là một người thầy đáng kính. Còn với người viết bài báo này, cựu danh thủ và HLV người Áo không đơn thuần chỉ là đối tượng công việc, như bao người làm việc trong địa hạt bóng đá, bao chuyên gia ngoại từng đến Việt Nam hợp tác. Ông Riedl còn là một người bạn, dễ gần, tốt tính nhưng cũng phải chịu nhiều hệ lụy từ những tính tốt đó.
Sau thất bại trước Myanmar ở bán kết SEA Games 2007, ông Riedl lặng lẽ rời Korat, Nakhon Ratchasima (Thái Lan) ngay trong đêm. Sức ép từ VFF, khiến ông Riedl phải từ chức, sau thất bại chiến dịch đổi màu huy chương, khi chính ông Chủ tịch VFF khi ấy đã từng phát biểu: "Bây giờ không vô địch thì còn đợi đến bao giờ"?. Đội tuyển U23 Việt Nam như rắn mất đầu, để rồi thua 0-5 muối mặt trước Singapore ở trận tranh HCĐ sau đó. Đấy cũng là lần cuối cùng Alfred Riedl tác hợp với bóng đá Việt Nam, ít nhất ở các cấp độ ĐTQG.
Thực tế, giai đoạn 2001-2002, ông Riedl cũng đã thất bại với Khánh Hòa, và chỉ trụ lại phố biển một thời gian ngắn. Sau năm 2007, HLV người Áo cũng dẫn dắt Hải Phòng và không thành công, bởi có lẽ dù gắn bó rất lâu, nhưng ông chẳng thể tường tận tất cả những ngõ ngách vốn khó lường của bóng đá Việt.
Ở tuổi thất thập, "nhà truyền đạo" Alfred Riedl vừa ra đi mãi mãi. Nhưng những gì ông để lại cho bóng đá Việt vẫn đáng được trân trọng. Vĩnh biệt và cảm ơn ông lần nữa!
Tùy Phong
Tags