(Thethaovanhoa.vn) - Sai sót trong bóng đá là điều khó tránh khỏi, quan trọng là biết để khắc phục.
- VPF lãi 1,6 tỷ đồng từ V-League 2016
- VPF tổ chức lễ ký, ra mắt nhà tài trợ các giải bóng đá chuyên nghiệp 2017
- TGĐ VPF Cao Văn Chóng: 'Năng lực quản lý cấp CLB có vai trò rất quan trọng'
* Kết thúc mùa giải 2016, cái được lớn nhất và cái chưa được lớn nhất trong công tác tổ chức là gì, thưa ông?
- Cái được lớn nhất chính là tính cạnh tranh gay gắt của các vị trí trong nhóm đầu. Các đội rất quyết tâm, tận dụng lợi thế nhỏ nhất để cạnh tranh chức vô địch. Có tới 4 kịch bản xảy ra để nhận cúp ở vòng đấu cuối cho thấy sự kịch tính, hấp dẫn. Tinh thần, thái độ thi đấu chuyên nghiệp hơn.
Mặt chưa được là những sai sót nghiêm trọng của trọng tài làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu đã làm giảm đi niềm tin ở người hâm mộ. Từ đó ảnh hưởng dây chuyền, dẫn đến lượng khán giả đến sân còn hạn chế.
* Mùa giải 2017 có điều gì khác biệt?
- Nếu nói khác biệt rõ ràng thì cũng không hẳn. Ở Đại hội cổ đông 2016 thì các cổ đông cũng đã mổ xẻ những vấn đề còn tồn đọng. Còn về công tác tổ chức giải đấu, bên cạnh VPF thì vai trò của các đội bóng, tức các cổ đông của VPF, rất quan trọng. Từ đào tạo trẻ, sân bãi cho tới công tác tổ chức thì đó là “xương sống”, bộ phận phục vụ trực tiếp cho trận đấu.
VPF cũng phối hợp với VFF để làm sao công tác tổ chức chuyên nghiệp hơn. VFF sẽ quyết liệt hơn, xử lý nặng đối với các trường hợp phạm lỗi thô bạo, vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, tư cách cầu thủ. Nói như thế không có nghĩa là những gì làm được ở mùa giải 2016 sẽ thay đổi hết. Mùa giải qua đã có những việc làm rất tốt như hợp tác với Sportradar để ngăn ngừa tiêu cực, công tác bảo hiểm cho cầu thủ, chuyên môn được nâng cao,… Thế nên, để nói sự khác biệt thì cũng không lớn lắm.
* Ông đánh giá như thế nào về những động thái của Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật ở thời gian qua, nhất là đánh “tụt” hạng của 4 trọng tài?
- Ở đợt tập huấn trọng tài trước mùa giải mới 2017 thì thời gian tập huấn sẽ được kéo dài hơn, hàm lượng thông tin được cập nhật nhiều hơn và sẽ hướng vào thực tế.
Ban Trọng tài sẽ có những quy định của ban nhằm siết chặt hơn công tác trọng tài. Và chuyện Ban trọng tài đưa những trọng tài dạng tiềm năng lên bắt ở V-League hay hạng Nhất là điều cần thiết, mang tính kế thừa. Tôi cho rằng đó là việc cần thiết và hết sức bình thường.
* Bên cạnh những vấn đề cần phải khắc phục và những thay đổi trong mùa giải mới, chắc hẳn vẫn có những e ngại?
- Bóng đá là môn thể thao nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Không riêng gì ở bóng đá Đông Nam Á mà ở các giải đấu lớn của châu Âu, bất kỳ giải đấu nào cũng có vấn đề riêng của nó. Thế nên, việc tổ chức giải đấu gặp phải những áp lực là điều hết sức bình thường. Ngay ở các giải đấu tại châu Âu, vẫn có những câu chuyện này câu chuyện khác. Bởi vậy, vấn đề chính của VPF là làm sao phục vụ tốt cho người hâm mộ thưởng thức những trận cầu mãn nhãn, là món quà tinh thần đúng nghĩa. Và để làm được chuyện này thì cần sự chung tay từ nhiều phía. Trong đó, VPF là cầu nối để tất cả thành tố cấu thành giải đấu có sự phối hợp khoa học, bài bản, chuyên nghiệp nhất.
Phải có cơ sở, nhà tài trợ mới đồng hành cùng giải đấu
* Nhà tài trợ vẫn tiếp tục đồng hành cùng giải đấu song thời hạn hợp đồng chỉ có 1 năm. Ông có thể bàn luận gì về vấn đề này?
- Vấn đề này thuộc chiến lược phát triển của các đơn vị kinh tế. Ngân sách tài chính thì họ có những chiến lược để phân bổ. Còn trong hợp đồng thì mặc dù ký từng năm nhưng năm nay đã là năm thứ 3 rồi. Nếu như ký dài hạn thì trong hợp đông lúc nào cũng có điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ký dài hạn mà làm không tốt thì họ có quyền này. Còn nếu ký ngắn hạn thì trong điều khoản trước hợp đồng kết thúc bao nhiêu ngày đó thì hai bên ngồi lại đàm phán. Không nên nặng nề vấn đề này.
Vấn đề chính là cùng nhau nhìn nhận chuyện này. Toyota là một đối tác tuyệt vời. Họ thừa có những kênh thông tin để nhận định, phân tích để đi đến quyết định. Bản thân giải nào cũng có chuyện này chuyện kia và bản thân nhà tài trợ nhìn thấy quyết tâm của VPF đối diện với vấn đề gặp phải như thế nào chứ không hẳn cứ thấy bóng đá tốt là nhào vào tài trợ.
Quan trọng là ở giai đoạn này. Đây là giai đoạn xây dựng. Từ lúc bóng đá chập chững đi lên chuyên nghiệp thì có những vấn đề này vấn đề kia song BTC vẫn quyết tâm, làm tới nơi tới chốn thì họ đồng cảm. Đó là việc rất đáng quý. Nếu mình làm tốt thì không chỉ Toyota mà hàng loạt nhà tài trợ sẽ tìm đến. Khi đó thì câu chuyện đã khác rồi. Còn hiện tại, khi giải đấu vẫn đang gặp những khó khăn, cố gắng từng bước đi lên chuyên nghiệp thì sự đồng hành của nhà tài trợ là điều rất đáng trân trọng.
Còn thời hạn hợp đồng dù chỉ 1 năm nhưng đây đã là năm thứ 3 thì nó cho thấy hai bên ngày càng hiểu nhau nhiều hơn và có sự tin tưởng nhất định.
* VPF đã có buổi gặp nào với bầu Hiển xoáy quanh vấn đề mà dư luận quan tâm trong thời gian qua là câu chuyện một ông chủ nhiều đội bóng chưa, thưa ông?
- Hội đồng quản trị có phân công một thành viên để làm việc với ông Đỗ Quang Hiển. Tôi vẫn chưa cập nhật thông tin về chuyện này song việc này hết sức bình thường, mang tính xây dựng vì cái chung chứ không phải đả kích hay lên án. Bản thân anh Hiển có những đóng góp như thế nào thì mọi người đều nhìn nhận, biết hết rồi. Thế nên, việc tháo gỡ để tránh những điều tiếng không hay cho bóng đá Việt Nam cũng như cá nhân anh Hiển là điều tất yếu. Chuyện xử lý hay giải pháp ra sao thì anh Hiển với tư cách là doanh nhân thành đạt, am hiểu chân tơ kẽ tóc của bóng đá Việt Nam để tìm tiếng nói chung thì không khó.
* Mùa giải 2017 kéo dài phần nào ảnh hưởng đến các câu lạc bộ, VPF chia sẻ gì với các đội bóng về vấn đề này?
- Đây là chuyện khách quan. Mình phải hy sinh vì cái chung bởi các quãng nghỉ đều phục vụ cho các đội tuyển. Mình phải cộng đồng trách nhiệm. Chúng tôi đã cùng nhau nghĩ nát óc để đưa ra lịch thi đấu đó.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
“Bản thân VPF mong muốn các giải hạng Nhất, Nhì, Ba có nhiều đội tham dự để tạo nguồn, chân đế vững chắc. Tuy nhiên, về thẩm quyền thì VPF chỉ có tổ chức giải đấu còn thăng hạng hay xuống hạng bao nhiêu đội thì đó là chiến lược của VFF và BCH. BCH là một tập thể nên các thành viên đã lấy ý kiến dân chủ, công khai, thống nhất cao về phương án dựa trên thực tế. Thế nên, chuyện hạng Nhất chỉ có 7 đội và giành 3.5 suất từ hạng Nhì lên hạng Nhất năm sau cũng rất khả thi, phù hợp tình hình thực tế “. Ông Cao Văn Chóng chia sẻ. |
Trần Khánh (thực hiện)
Thể thao &Văn Hóa Cuối Tuần
Tags