(Thethaovanhoa.vn) - Cổng Nam Thành Nhà Hồ xứng đáng đại diện quan trọng của quần thể di tích, nơi tập trung khách tham quan và là địa điểm thích hợp cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa.
Tuy nhiên, cổng thành bao gồm 3 mái vòm này có dấu hiệu xuống cấp, nguy hiểm đối với tính mạng con người. Qua việc tu sửa cấp thiết, các chuyên gia đã nắm được các thông số kỹ thuật cũng như cách thức những người thợ tiến hành trong quá trình xây thành.
Kỹ thuật chèn mạch thời trung cổ
Ngày 16-8-2019, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã báo cáo kết quả thực hiện dự án tu sửa cấp thiết mái vòm và bảo tồn cổng phía Nam. Theo đó, dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ, dự án công trình tu sửa cổng Nam được nghiên cứu, thi công một cách khoa học, chuyên nghiệp, phù hợp với công ước quốc tế và Luật Bảo vệ di sản. TS Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã mời chuyên gia quốc tế Vũ Nam Sơn đến từ Thụy Sĩ cùng với các nhà khảo cổ trong nước cùng phối hợp thực hiện dự án này.
Trước khi tu sửa, hiện trạng bề mặt đá bị bao phủ bởi lớp vỏ hỗn hợp gồm rêu, tảo, địa y, thân gỗ mọc trong mạch đá và nhiều loại muối khác nhau đã che khuất những giá trị cổ kính, chân thực như: Màu sắc, sắc thái, vân đá và dấu tích tinh chế của các nghệ nhân thời xưa. Bên cạnh đó, các tác nhân tiết a xít ăn mòn bề mặt đá, sự tăng trưởng của cây thân gỗ đã nâng một số viên đá hàng trên cùng lên 7-8cm. Muối kết tủa trong mạch tự nhiên sát bề mặt đá gây bong tróc một lượng đáng kể đá vòm. Đặc biệt, tại vòm Tây, viên đá nằm ở vị trí then chốt bị sụt vỡ và tụt xuống 7cm so với vị trí ban đầu cũng do nguyên nhân tương tự và có thể sẽ rơi xuống nếu có chấn động địa chất làm ảnh hưởng tới kết cấu của di sản, nguy hiểm đối với con người.
Nhiều loại muốn khác kết tủa trên bề mặt với độ dày tối đa lên tới 8cm làm biến đổi tính chất hóa, lý và màu sắc của đá. Kết quả điều tra hiện trạng ghi nhận diện tích phân bố các yếu tố gây hại đá tại hiện trường, ước tính ở mặt ngoài cổng thành gồm rêu chiếm 80%, muối chiếm 20%. Muối có độ cứng lớn hơn độ cứng của đá. Sự chênh lệch này là nguyên nhân của hiện tượng phá hủy bề mặt đá, nơi nước mưa tạo thành dòng chảy... Căn cứ vào hiện trạng nêu trên, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ xác định, tu sửa cổng Nam là việc làm cấp thiết.
Sau khi khảo sát, lấy mẫu phân tích, khoanh vùng vệ sinh mẫu, xin ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế... các đơn vị liên quan thực hiện các mẫu thử làm sạch bằng các phương pháp khác nhau theo kinh nghiệm bảo tồn đã được áp dụng ở Ý, Thụy Sĩ, phù hợp với Di sản Thành Nhà Hồ. Tiếp đó, tổ tu sửa cấp thiết xác định mục tiêu, phương pháp thi công gia cố viên đá bị sụt vỡ, gia cố các lớp đá bị muối gây bong tróc bằng keo Epoxy hai thành phần, gắn và chèn mạch dọc. Quá trình làm sạch, loại bỏ các yếu tố gây hại bề mặt đá đã không sử dụng hóa chất, không phun cát ướt, cát không, đảm bảo mặt đá không quá sạch, bảo tồn một màng patine (màu thời gian) rất mỏng.
Đối với viên đá bị tụt, nhóm chuyên gia đã bôi keo Epoxy SJE-3000 một lượng vừa đủ trên toàn bộ diện tích bề mặt mạch ghép, sau đó dùng kích nâng, ép chặt phiến đá về vị trí nguyên thủy. Áp dụng phương pháp chèn mạch đá ở châu Âu thời trung cổ, dùng 6kg chì khối chèn 4 góc của mạch dọc phiến đá vừa được gắn nhằm đảm bảo sự an toàn trước một số chấn động địa chấn.
Nắm được các thông số quan trọng
Việc làm sạch bề mặt đá, các chuyên gia tuân thủ nguyên tắc được điều chỉnh sau hội nghị tham vấn tổ chức ngày 9-3-2019. Căn cứ vào độ cứng của đá vôi trên cổng thành, đội ngũ kỹ thuật đã phun nước cao áp và làm sạch muối theo phương pháp loại bỏ từng lớp mỏng rêu, tảo, địa y cho tới mức độ thứ ba được lựa chọn trên mẫu thử tại vòm giữa.
Các cây thân gỗ mọc từ trong mạch đá, đục bỏ thủ công nhằm xử lý triệt để hệ quang hợp. Việc làm sạch muối cũng được tiến hành tỉ mỉ bằng máy mài cầm tay lắp bàn chải mũ chụp sợi đồng đến lớp màng patine mong muốn; có sự giám sát chặt chẽ, nghiêm túc. Riêng lớp muối rất dày, loại bỏ dần từng phần bằng đục gỗ cho đến khi độ dày còn khoảng 0,3mm.
Trải qua thời gian 622 năm, khu vực cổng Nam đã được tu sửa trước thế kỷ XX chủ yếu là trám mạch và trám đá nứt vỡ ở các mức độ khác nhau. Hồ vữa sử dụng được pha trộn bằng vôi, cát, có thể thêm phụ gia hữu cơ. Chất lượng vữa rất tốt, tuy nhiên màu sắc không phù hợp, quá tương phản với màu đá. Ngược lại, hồ vữa sử dụng sau thế kỷ XX lại gồm xi măng và cát hạt thô... Qua khảo cứu đặc biệt, có thể khẳng định, cổng Nam được xây dựng bằng phương pháp xây khô, tuy nhiên hồ vữa vẫn được sử dụng cho việc kê chèn mạch những khối đá chế tác bị lỗi ở mạch ngang, chèn lấp mạch trống trong khung cửa. Cố định những viên đá rối của lớp hai sau lớp vỏ bề mặt và có thể lấp khoảng trống giữa những viên đá rối. Kỹ thuật này tạo độ ổn định cho tường xây đá khô.
Vữa thời Hồ đạt chất lượng rất cao, được pha trộn bằng vôi, cát sông Mã có kích thước 1-2mm và đá răm kích thước 10-20mm. Theo các chuyên gia, để chuẩn bị cho công tác tu sửa trong tương lai cần sử dụng đến hồ vữa, 12 mẫu pha trộn đáp ứng đa dạng về màu sắc, khả năng chịu đựng với điều kiện thời tiết. Các mẫu pha trộn được xếp thành hai nhóm chính: Nhóm tu sửa mạch và khu vực bên ngoài tiếp xúc với nước mưa, nắng, nhiệt độ cao, chất kết dính chủ đạo là xi măng. Nhóm tu sửa trám đá vỡ bằng chất kết dính, chủ đạo là sự kết hợp giữa vôi tôi có phụ gia mật mía. Song các chuyên gia cũng thử nghiệm một số mẫu pha trộn để trám vá trên các vị trí khác nhau của cổng Nam để có thời gian dài theo dõi, đánh giá kết quả trong những báo cáo tiếp theo.
Thông qua công tác tu sửa, chuyên gia Vũ Nam Sơn nhận định: Vữa xi măng trám mạch ở cổng Nam, thực hiện năm 1962 một cách tùy tiện, gây tác động tiêu cực cần được loại bỏ và thay thế vào đó là hệ thống trám mạch, trám đá theo đúng nguyên tắc bảo tồn. Qua thời gian, các mạch đá ngày càng bị hở lớn do sự biến động của địa chất cùng với sự phân hủy của muối dẫn đến nguy cơ bị hệ thực vật bậc cao thâm nhập, phát triển trong các mạch đá. Bởi vậy, việc trám mạch, trám đá là điều cần thiết phải thực hiện và thể hiện đúng tinh thần xây khô thời nhà Hồ. Quá trình trám cần đảm bảo các yếu tố màu sắc, các mạch có sự tương đồng với màu đá. Mạch phải tạo được sự thoát nước dễ dàng, hạn chế bị nước ngấm vào trong. Đối với mái cổng Nam cần chống thấm triệt để bằng việc làm vọng lâu, trám vá các mạch hở, hạn chế nước thẩm thấu.
Ý kiến của các chuyên gia phát biểu tại buổi báo cáo đều khẳng định: Bằng những kỹ thuật đã làm, viên đá bị tụt có thể kéo dài tuổi thọ. Việc vệ sinh toàn bộ cửa Nam lần đầu tiên sau hơn 620 năm được thực hiện quy mô và rất kỹ. TS Đỗ Quang Trọng nói: “Chúng tôi đã hoàn thành hai mục tiêu quan trọng của dự án. Qua dự án tu sửa cấp thiết, gần như chúng tôi đã nắm được các thông số kỹ thuật cũng như cách thức những người thợ đã tiến hành trong quá trình xây thành. Các tài liệu, kinh nghiệm đúc rút này có giá trị quan trọng, xác thực nhất trong quá trình phục hưng, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di sản tường đá lớn sau này”.
Phạm Huy
Tags