(Thethaovanhoa.vn) - Tour du lịch giá rẻ theo hành trình từ các nước đến Đà Nẵng ngày càng nhiều làm giảm sút chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách cũng như môi trường du lịch của thành phố. Trước thực trạng này, ngành du lịch Đà Nẵng đang từng bước tăng cường quản lý, chấn chỉnh loại hình du lịch nói trên.
Tổ chức hơn 150 lượt thanh tra
Theo lý giải của những người làm kinh doanh dịch vụ du lịch, tour giá rẻ hay tour "0 đồng" là chiêu thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành. Trong đó, vé máy bay, vận chuyển quốc tế và các chi phí khác như: ăn uống, lưu trú, hướng dẫn viên… được bán cho khách bằng với giá, thấp hơn hoặc "bằng 0" so với chi phí thực tế công ty lữ hành tổ chức tour cho khách.
Tour giá rẻ chủ yếu xuất hiện ở thị trường khách Trung Quốc và một phần thị trường khách Hàn Quốc. Với tour giá rẻ, du khách chấp nhận vào một số điểm mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ ngoài chương trình tour. Những chi tiêu ngoài tour nêu trên là nguồn thu chủ yếu bù lại chi phí tổ chức tour của công ty lữ hành bằng cách đẩy giá mua sắm dịch vụ lên cao gấp nhiều lần.
Trong 8 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Du lịch thành phố tổ chức hơn 150 lượt thanh tra, kiểm tra, ban hành 43 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt gần 300 triệu đồng.
Đơn vị cũng đã tổ chức 7 đợt kiểm tra hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch, trong đó tập trung kiểm tra hoạt động hướng dẫn du lịch tại các điểm tham quan du lịch; đồng thời kiểm tra xử phạt 3 tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành với số tiền 30 triệu đồng.
Khi thanh tra hoạt động hướng dẫn du lịch tại khu điểm, Thanh tra Sở đã phát hiện và xử phạt 31 trường hợp với số tiền 121 triệu đồng. Những hành vi vi phạm chủ yếu là: không mang theo chương trình, giấy tờ phân công nhiệm vụ khi hành nghề; tự ý thay đổi chương trình du lịch; không quản lý đoàn khách theo quy định; không hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam; giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn du lịch; không mang thẻ hướng dẫn viên trong khi hành nghề…
Trong quá trình thanh tra hoạt động hướng dẫn du lịch tại khu, điểm du lịch, Thanh tra Sở đã kiểm tra, phát hiện 7 người nước ngoài vi phạm trong hoạt động hướng dẫn du lịch (1 người Trung Quốc và 6 người Hàn Quốc), xử phạt 7 trường hợp với số tiền 125 triệu đồng. Sau khi xử phạt hành chính, đơn vị chuyển hồ sơ vụ việc người nước ngoài vi phạm đến cơ quan xuất nhập cảnh thành phố để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền...
Thực tế, khi tới điểm đến, đơn vị khai thác tour giá rẻ sẽ phải bán thêm các tour lẻ đi trong ngày (option tour) hay đưa khách đi mua sắm tại các cơ sở mua sắm nhất định để thu lại lợi nhuận. Bởi vậy, phải kiểm soát chặt chẽ người dẫn đoàn (tour leader) đi đúng theo lịch trình tour; cần sự phối hợp của các ngành liên quan để tránh thất thu thuế…
Giải pháp đồng bộ
Tiếp tục chấn chỉnh những vi phạm trên lĩnh vực này, Sở Du lịch thành phố cho biết, đã tham mưu UBND thành phố triển khai kế hoạch tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch.
Qua đó, chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung các giải pháp quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tour giá rẻ đối với thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, quản lý chặt chẽ hoạt động người nước ngoài tạm trú, bảo đảm an toàn an ninh và phối hợp triển khai hiệu quả Quy chế quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.
Ngoài ra, cần tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá tại các cơ sở mua sắm, nhà hàng và triển khai chống thất thu thuế tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch thường xuyên phục vụ khách Trung Quốc, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng tham mưu UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố rà soát, kiểm tra đăng ký tạm trú của người nước ngoài; giao Sở LĐ-TB&XH rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng lao động người nước ngoài tại các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố…
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết thời gian tới, đơn vị tiếp tục vận động các cơ sở mua sắm trên địa bàn thành phố lập thủ tục xét công nhận cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; đồng thời công bố rộng rãi danh sách trên các phương tiện truyền thông để du khách biết.
Đơn vị cũng chủ trì, phối hợp Hội Lữ hành, câu lạc bộ hướng dẫn viên và các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên; hỗ trợ các đơn vị nâng cao năng lực kinh doanh; quản lý, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, giáo dục nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp cho hướng dẫn viên...
"Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, giám sát các doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc, Hàn Quốc; đồng thời, phát huy vai trò của Trung tâm Hỗ trợ du khách, tổ phản ứng nhanh gắn với hoạt động thanh tra, kịp thời xử lý khi có thông tin phản ánh từ người dân và du khách", ông Bình nói.
Theo ông Bình, việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khép kín, đồng thời lồng ghép nội dung phổ biến các quy định pháp luật về kinh doanh du lịch trong các chương trình xúc tiến quảng bá tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian đến.
Song song đó là việc khảo sát thực trạng hoạt động để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố và tổ chức đào tạo bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
Nhi Thảo