(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện thành công ca ghép thận của mẹ cho con gái là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Cuộc phẫu thuật được tiến hành song song giữa 3 ekip là lấy thận, rửa thận và ghép thận.
Trước đó 10 năm, bệnh nhân Trương Thúy An (SN 1990, tại Thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) đã có dấu hiệu viêm cầu thận và đã được chữa khỏi, khoảng đầu năm 2015, trong một lần khám sức khỏe định kỳ, bệnh nhân An được chẩn đoán đã mắc phải bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối và tiến hành chữa trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Trải qua thời gian 6 tháng chữa trị (lọc máu và chạy thận hơn 3 tháng) nhưng không có dấu hiệu khả quan, bà Tăng Thị Thu (SN 1967, tại Thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) đã quyết định hiến thận cho bệnh nhân Trương Thúy An, là con gái của mình vào ngày 18/9/2015.
Ca hiến thận được thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng, sau hơn 2 tiếng đồng hồ thực hiện song song giữa việc lấy thận và ghép thận, dưới sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ cùng với một chế độ đặc biệt, sức khỏe của bệnh nhân An và người hiến thận là bà Tăng Thị Thu gần như đã hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ Đặng Anh Đào, Phó Trưởng khoa Thận – Nội Tiết, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Đây là một cuộc phẫu thuật lớn, được tiến hành song song giữa 3 ekip là lấy thận, rửa thận và ghép thận. Thời gian xảy ra đồng thời trong vòng hơn 2 tiếng, sau ca ghép thận bệnh nhân được chăm sóc và theo dõi đặc biệt trong phòng hồi sức sau mổ. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân An đã sinh hoạt bình thường và không còn phải truyền máu nữa, tuy nhiên bệnh không thể chữa trị dứt điểm hoàn toàn”.
Bệnh nhân Trương Thúy An chia sẻ: “Sáng nay tôi đứng đây với một cơ thể khỏe mạnh, như được sinh ra lần thứ 2 trong cuộc đời này và người sinh ra tôi chính là mẹ tôi. Tôi muốn nói lời cảm ơn nhiều nhất đến ba mẹ tôi, họ đã rất vất vả để nuôi 4 đứa con chúng tôi. Khoảng thời gian nằm viện 6 tháng không phải là thời gian dài với nhiều người nhưng với tôi là khoảng thời gian rất dài. Khi tôi bị bệnh, mẹ tôi đã bất chấp rủi ro nguy hiểm đến tính mạng để hiến thận cho tôi, san sẻ cuộc sống cho tôi. Tôi rất tự hào và biết ơn mẹ tôi”.
Được biết, chi phí thực hiện ca ghép thận có sự đồng chi trả của Bộ Y Tế lên tới gần 80%, bệnh nhân phải chi trả khoảng 20% trong khoảng 50 – 60 triệu đồng.
Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai chương trình ghép thận từ năm 2006, sau 02 ca ghép thành công thì chương trình ghép thận dừng lại do một số lý do khách quan như xây dựng mới phòng mổ và giành thời gian phát triển các chuyên ngành khác như tim mạch, ung thư, Y học hạt nhân, … Đến nay chương trình được Bộ Y Tế cấp phép trở lại và chính thức triển khai, ca ghép thận của bệnh nhân Trương Thúy An là ca ghép thận thứ 2 thành công trong năm 2015.
Hiện nay tại Bệnh viện Đà Nẵng, tần suất suy thận mạn giai cuối mới mắc cũng tăng dần, chiếm khoảng 3,87% số bệnh nhân nhập viện tại khoa Thận – Nội Tiết. Số bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối giai đoạn cuối đang được điều trị khoảng hơn 300 bệnh nhân, trong đó ghép thận nhân tạo chiếm khoảng 80% và thẩm phân phúc mạc khoảng 20%.
Hoàng Yến
Tags