(Thethaovanhoa.vn) - UBND thành phố Đà Nẵng đang tích cực triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện chính quyền điện tử.
Theo đó, Đà Nẵng tập trung xây dựng, ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, thành phố xác định một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn là “Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số” và mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại thông minh, đến 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Đặc biệt, thành phố cập nhật Kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử thành phố phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, ban hành. Thành phố tập trung phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, triển khai mạng lõi viễn thông cấp vùng, liên vùng và phủ sóng thông tin di động 5G toàn thành phố, kết nối băng rộng đến các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng nâng cấp, hoàn thiện nền tảng ứng dụng chính quyền điện tử thành phố (Da Nang Egov Platform); hoàn thành xây dựng Trục tích hợp liên thông nội bộ LGSP, kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu của bộ, ngành Trung ương qua Trục tích hợp liên thông quốc gia (NGSP); hoàn thành và đưa vào sử dụng cổng dịch vụ dữ liệu để minh bạch, công khai thông tin của chính quyền thành phố cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là dữ liệu trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai, môi trường, giao thông, đầu tư công, giáo dục, y tế, thuế, hải quan, tư pháp.
Thành phố đẩy mạnh truyền thông, huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực triển khai xây dựng chính quyền điện tử…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết: Đà Nẵng xây dựng chính quyền điện tử nhằm kế thừa, phát triển các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển của thế giới.
Thành phố xác định đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử. Cùng với đó là đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL), tạo ra dịch vụ nền tảng dùng chung cho toàn hệ thống; tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử thành phố. Đà Nẵng huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử...
Giai đoạn 2019-2020, thành phố phấn đấu hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm vận hành chính quyền điện tử, làm nền tảng xây dựng thành phố thông minh; hoàn thiện cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố kết hợp với ứng dụng di động và dịch vụ chữ ký số trên thiết bị di động. Đà Nẵng phấn đấu tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; hoàn thành, đưa vào sử dụng 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó tối thiểu 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4… Đến giai đoạn 2021-2025, thành phố sẵn sàng về hạ tầng, nền tảng dữ liệu để triển khai toàn diện mô hình thành phố thông minh; kết nối vào mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp và xã hội. Thành phố phấn đấu 100% kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp trên cổng góp ý được cơ quan chức năng xử lý đúng hạn....
Nguyễn Sơn
Tags