(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy gần 70% người được hỏi cho biết họ muốn giảm bớt hoặc loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản.
Cuộc thăm dò dư luận này do Đài truyền hình và phát thanh công cộng ở Nhật Bản NHK tiến hành trên toàn quốc trong tháng 11 và 12/2020 với sự tham gia của hơn 2.300 người, và công bố ngày 3/3, gần 10 năm sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima ở Đông Bắc Nhật Bản.
Khi được hỏi về tương lai của điện hạt nhân ở Nhật Bản, chỉ có 3% người tham gia cho rằng nước này cần có thêm nhà máy điện hạt nhân và 29% muốn duy trì số lượng nhà máy hiện tại, trong khi có tới 50% khẳng định cần phải giảm bớt số lượng nhà máy điện hạt nhân và 17% muốn xóa bỏ hoàn toàn các nhà máy này.
Liên quan tới vấn đề tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đang tạm dừng hoạt động, chỉ có 16% đồng ý, trong khi có tới 39% phản đối và 44% không có ý kiến. Trong khi đó, 85% số người được hỏi đã bày tỏ lo ngại các sự cố hạt nhân có thể gây ra nguy hiểm cho cư dân sống gần đó, trong khi 14% không lo lắng.
Trước đó, ngày 1/3, các cựu Thủ tướng Nhật Bản như Naoto Kan và Junichiro Koizumi đã kêu gọi dừng sử dụng điện hạt nhân, cho rằng nước này cần phải rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Đây là những người từng ủng hộ điện hạt nhân khi còn tại nhiệm nhưng đã thay đổi quan điểm sau các sự cố liên tiếp tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 do thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 gây ra.
Các số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho thấy trong tài khóa 2019, nhiệt điện chiếm 76% trong tổng nguồn cung điện năng của Nhật Bản, trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm 18% và điện hạt nhân chiếm 6%. Trong “Chiến lược tăng trưởng xanh” của chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên từ 50% đến 60%. Phần còn lại sẽ được bù đắp bằng nhiệt điện và điện hạt nhân.
Đào Thanh Tùng/TTXVN
Tags