U22 Việt Nam đang tập luyện ở Campuchia để chuẩn bị cho trận ra quân môn bóng đá nam SEA Games 32 của mình ở bảng B gặp U22 Lào.
Không nói nhiều, U22 Việt Nam phải thắng U22 Lào
Nếu U22 Việt Nam thắng U22 Lào thì không ai coi đó là bất ngờ hay thành tích, thành công gì lớn lao nhưng nếu chúng ta không thắng thì đó lại là câu chuyện chắc chắn được bàn tán, mổ xẻ nhiều.
Khi kí hợp đồng với ông Troussier, VFF nhấn mạnh mục đích chọn ông Troussier là nhằm hướng đến mục tiêu giành vé dự World Cup 2026.
Họ không bảo kí hợp đồng với ông Troussier là để nhắm đến mục tiêu giành HCV bóng đá nam SEA Games 32. Nhưng thực tế, nếu ông Troussier không thể dẫn dắt U22 Việt Nam giành HCV bóng đá nam SEA Games 32 thì chắc chắn ông lại trở thành đối tượng bị đem ra mổ xẻ, thậm chí bị chỉ trích, phê phán và chịu sự phán xét của công luận, của truyền thông và giới chuyên môn.
Như vậy, có thể hiểu VFF coi việc dẫn dắt U22 Việt Nam vô địch SEA Games 32 là chuyện tất nhiên ông Troussier phải làm được.
Đó là thách thức với HLV người Pháp vì ai cũng thấy lực lượng cầu thủ trẻ mà ông Troussier đang có trong tay không thể so sánh với thế hệ "vàng" U23 Việt Nam hồi 2018 mà ông Park Hang Seo may mắn có được.
"Bột" không thực sự tốt nhưng vẫn phải "gột nên hồ". Và ông Troussier phải "gột nên hồ" không chỉ với một lứa cầu thủ trẻ mới mà đa số bị đánh giá là ""đuối" chuyên môn hơn so với lứa Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường, Văn Hậu, Văn Thanh mà ông Park Hang Seo may mắn có được hồi 2018 mà ông còn phải "gột nên hồ" trong bối cảnh Thái Lan đã và đang trở lại như là quyền lực bóng đá số 1 của khu vực.
Trở lại với câu chuyện thành tích mà VFF theo đuổi. Việc đặt mục tiêu bảo vệ chiếc HCV bóng đá nam ở SEA Games 32 cho thấy VFF vẫn rất coi trọng yếu tố thành tích ở giải "ao làng" này.
Ông Troussier hẳn đã ý thức được điều đó. Đổi mới kiểu gì thì đổi mới nhưng sau cùng kết quả vẫn là điều được coi trọng nhất. U22 Việt Nam đá kiểu gì có lẽ thực sự không quan trọng lắm với VFF, với giới chuyên môn và truyền thông.
Chúng ta hay đòi hỏi lối chơi "có nét" nhưng chúng ta cũng đồng thời hay đòi hỏi kết quả. Nhưng sau tất cả, với VFF, với giới chuyên môn, với truyền thông và người hâm mộ, U22 Việt Nam đá chiến thuật nào cũng được miễn là chiến thắng. Nói cách khác, lối chơi hay nhất, phù hợp nhất là lối chơi giúp chúng ta thành công dù vô địch SEA Games không phải là chuyện chúng ta chưa từng làm được.
Đá cống hiến, đá đẹp mắt, đá theo phong cách hiện đại mà chiến thắng thì quá tuyệt vời nhưng nếu thất bại thì lập tức bị coi là không ổn.
Trận ra quân ở bảng B gặp đối thủ bị đánh giá thấp hơn như U22 Lào thì U22 Việt Nam lại càng không được phép thất bại, thậm chí một kết quả hòa đã bị coi là thất bại rồi.
Tags