Cảm nhận khi ăn của món đậu phụ thối không hề giống với vẻ ngoài của nó một chút nào, tuy trông có vẻ sẫm màu nhưng ăn rất mềm và mọng nước, tan trong miệng khiến thực khách không thể ngừng ăn.
Không chỉ là món ngon mà còn là món ăn tốt cho sức khỏe
Theo blogger chuyên về ẩm thực Hebu trên trang Baijiahao (Trung Quốc), đậu phụ thối là một loại thực phẩm được làm từ đậu phụ lên men, có mùi vị rất đặc biệt, có người bảo giống mùi chuột chết, tất thối… nhưng cũng có người cho rằng nó có mùi hoa thơm, mùi trái cây, mùi sữa...
Trên thực tế, mùi vị của đậu phụ thối là do tác động của nhiều loại vi sinh vật tạo ra; và đậu phụ thối ở mỗi địa phương của Trung Quốc có hương vị đặc trưng riêng nên không có một tiêu chuẩn thống nhất nào để xác định. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là cảm nhận khi ăn của món đậu phụ thối không hề giống với vẻ ngoài của nó một chút nào, tuy trông có vẻ sẫm màu nhưng ăn rất mềm và mọng nước, tan trong miệng khiến thực khách không thể ngừng ăn.
Có nhiều cách chế biến đậu phụ thối như chiên, nấu canh, nướng, kho… và mỗi cách chế biến lại có một đặc điểm riêng. Trong đó, đậu phụ chiên là phổ biến nhất: bọc đậu phụ thối trong bột rồi chiên ngập trong chảo dầu cho đến khi vàng giòn, sau đó ăn kèm với tương ớt, tỏi, rau mùi và các loại gia vị khác. Bên ngoài giòn giòn, bên trong mềm mềm, có vị cay và sảng khoái.
Đậu phụ thối nấu canh là một phương pháp chế biến tương đối nhẹ nhàng: cho đậu phụ thối vào nước luộc đến khi chín mềm, sau đó cho cải thảo, miến, tảo bẹ và các nguyên liệu khác vào nấu cùng. Món ăn này có hương vị thơm ngon, đậu phụ mềm mịn, nước canh đậm đà.
Đậu phụ thối nướng lại là một phương pháp chế biến khá mới mẻ. Người ta cắt đậu phụ thối thành từng miếng nhỏ, xâu vào que tre rồi nướng trên than hồng cho đến khi lớp vỏ bên ngoài hơi cháy là được. Đậu phụ thối nướng chấm với tương ớt ngọt, tương mè và các loại nước sốt khác. Món ăn này có vị cháy xém bên ngoài và mềm bên trong, ngọt, cay và rất thơm ngon.
Đậu phụ thối kho là một phương pháp chế biến tương đối truyền thống: đậu phụ thối kho trong nước hàng cho đến khi nếm vừa miệng, sau đó cắt thành từng miếng nhỏ, ăn cùng với các món ăn kèm như lạc, rau mùi… Món này ăn rất mềm, dẻo và thơm, có vị bùi bùi, dư vị đậm đà.
Theo blogger Hebu, đậu phụ thối không chỉ ngon miệng mà còn có nhiều giá trị dinh dưỡng. Nó rất giàu protein thực vật, canxi, sắt, kẽm và các nguyên tố vi lượng khác và vitamin nhóm B… có tác dụng tốt trong việc tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa chứng thiếu máu và thúc đẩy sự phát triển của xương.
Hơn nữa, vi khuẩn axit lactic và enzyme được tạo ra trong quá trình lên men của đậu phụ thối còn có thể hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại và có tác dụng nhất định trong việc ngăn ngừa táo bón, viêm ruột và các bệnh khác. Do đó, đậu phụ thối không chỉ là món ngon mà còn là món ăn tốt cho sức khỏe.
Blogger Hebu khuyên rằng, nếu bạn chưa từng ăn thử món đậu phụ thối, hoặc bạn có chút phản ứng với món đậu phụ thối, thì hãy dẹp bỏ định kiến và mạnh dạn thử món đặc sản này; nó sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm hương vị hoàn toàn mới và khiến bạn bị cuốn hút!
Món ăn có lịch sử hơn 350 năm
Theo blogger Xinxin Xiaoke trên trang Baijiahao, vào năm Khang Hy thứ tám vào thời nhà Thanh (tức năm 1669), một học trò tên là Vương Tri Hòa từ huyện Tiên Nguyên, tỉnh An Huy đến Bắc Kinh để dự thi. Anh rất muốn có tên trong bảng vàng để làm rạng danh tổ tiên, nhưng không ngờ rằng mình lại thi trượt.
Nhận ra con đường công danh của mình là vô vọng, tiền mang theo cũng không còn nhiều. Vương Tri Hòa thấy rằng không có nơi nào để đi, vì vậy anh đã dùng số tiền ít ỏi còn lại để mở một cửa hàng đậu phụ nhỏ ở kinh thành, cố gắng tiết kiệm tiền để làm lộ phí về quê nhà.
Cửa hàng đậu phụ nhỏ mới mở, nhưng thời tiết lại không thuận lợi, mưa liên tục mấy ngày. Nhìn thấy những miếng đậu phụ không bán được, dần bị mốc, Vương Tri Hòa vô cùng lo lắng. Một ngày nọ, Vương Chí Hòa đột nhiên nhớ tới món tương đậu phụ ở quê nhà, nên muốn thử phương pháp chế biến này. Anh cắt đậu phụ mốc thành những miếng vuông nhỏ, cho vào hũ, thêm chút muối, hạt tiêu và các gia vị khác rồi đậy chặt miệng hũ.
Sau vài ngày, Vương Tri Hòa mở hũ ra kiểm tra, ngay lập tức, một mùi hôi thối xộc lên, đậu phụ đều đã chuyển sang màu xanh. Vương Tri Hòa liền gắp một miếng nếm thử thì thấy hương vị rất ngon. Anh còn mời hàng xóm nếm thử, ai cũng khen: "Ngửi thì thối, mà ăn rất ngon, thực sự là bên ngoài thối mà bên trong thơm!".
Được truyền cảm hứng, Vương Tri Hòa liền treo một tấm biển hiệu: "Cửa hàng chuyên bán đậu phụ thối". Chẳng bao lâu sau, Vương Tri Hòa và món đậu phụ thối của anh đã nổi tiếng khắp kinh thành, khi nhắc đến đậu phụ thối thì mọi người đều biết chủ nhân của nó là Vương Tri Hòa.
Khi chuyện này được truyền vào cung, một thái giám tò mò đã mua đậu phụ thối về ăn thử và thấy rất ngon. Thái giám này ngay lập tức dâng lên cho vua Khang Hy. Sau khi nếm thử, Khang Hy cũng thấy rất ngon, liền ban chỉ đưa "đậu phụ thối" trở thành một trong những món ăn phụ của "Ngự thiện phòng" (bếp ăn chuyên phục vụ nhà vua), và đặt tên cho món đậu phụ thối là "Thanh phương".
Vào năm Khang Hy thứ mười bảy (1678), Vương Tri Hòa còn xây được một nhà xưởng ở phía tây đường Diên Thọ Tự, dựng biển hiệu "Vườn nước sốt nam Vương Tri Hòa", nên hoạt động kinh doanh đậu phụ thối ngày càng phát triển hơn, và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo tờ Shanghai Observer, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus mới đây đã đề xuất các hành động cụ thể để giảm bớt sự khác biệt giữa hai nước. Theo đó, hai nguyên thủ quốc gia cần có nhiều cuộc đàm phán hơn nữa. Đồng thời, các quan chức Mỹ cũng nên đến thăm Trung Quốc, đi thăm các thành phố khác nhau ở Trung Quốc, và nếm thử các món ẩm thực địa phương, như đậu phụ thối, để hiểu đặc điểm của Trung Quốc, từ đó loại bỏ sự khác biệt giữa hai bên.