Dù không phải là món ăn phổ biến, nhưng hà ngỗng lại được giới sành ăn ở châu Á lẫn châu Âu ưa chuộng vì ngoại hình kì lạ và hương vị có một không hai.
"Cháy hàng" tại Trung Quốc
Nằm ngoài khơi bờ biển của tỉnh Phúc Kiến ở miền đông Trung Quốc, đảo Yangyu trông chẳng khác gì một vùng chỉ có những mỏm đá, rạn san hô và rong biển cằn cỗi.
Nhưng ít ai biết rằng, bên dưới mặt biển ẩn chứa kho báu quý giá của đại dương.
Khu vực này là quê hương của một số loài động vật có vỏ có giá trị nhất ở Trung Quốc. Một kg hà ngỗng, được khai thác tự nhiên từ các tảng đá trên đảo, có thể có giá lên tới gần 200 USD/kg.
Hầu hết người dân ở đây kiếm sống bằng nghề đánh bắt và thu thập động vật có vỏ, nhưng đây là một công việc nguy hiểm. Một số chỉ có thể được thu hoạch khi thủy triều xuống trên các vách đá của hòn đảo. Nếu chọn sai thời điểm, đại dương có thể sẽ cuốn ngư dân đi.
Ngư dân địa phương thích kể những câu chuyện về những thủy thủ tới vùng biển này và sống nhờ vào những loài sinh vật dồi dào trong khu vực.
"Có một anh chàng bị chìm tàu nên đành bơi đến một hòn đảo nhỏ hoang vắng," Ou kể. "Sau nửa năm, anh ta quay lại và nói với tôi rằng anh ấy đã ăn hải sản sống trong nửa năm."
Mặc dù cuộc sống trên đảo có vẻ bình dị đối với những ngư dân này, sinh kế của họ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết theo mùa. Một cơn bão tồi tệ có thể cản trở toàn bộ việc làm của họ.
Ou Jianing được người dân địa phương mệnh danh là thần hộ mệnh của đảo Yangyu, cứ đến mùa hè là anh lại ra khơi bắt hà ngỗng bám trên những tảng đá lởm chởm của đảo.
Hà ngỗng là sinh vật có hình dáng kì lạ, xấu xí đến độ bị đặt tên là "ngón tay của quỷ". Chúng có thân hình rất cứng, bám chắc vào những tảng đá chìm, đống đổ nát, bến tàu, thuyền bè để sinh sống.
Thông thường, loài sinh vật này xuất hiện nhiều ở bờ biển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Hà ngỗng từ lâu đã trở thành một món ăn sang trọng được ưa chuộng ở một số nước châu Âu, với giá lên tới gần 3 triệu đồng/đĩa khi gọi ở nhà hàng.
Còn tại Trung Quốc, hà ngỗng luôn cháy hàng với những thực khách rủng rỉnh hầu bao và có mong muốn trải nghiệm đặc sản.
"Con này ngon lắm," ngư dân Ou Jianing nói, chỉ vào con hà. Anh Ou mô tả rằng loài này có hình dáng giống như hai bàn tay chắp lại khi cầu nguyện và khi ăn thì "bóc như khi ăn hạt hướng dương."
Động vật có vỏ ở vùng đảo Yangyu được biết đến là đặc biệt nhiều thịt và ngon ngọt. Chỉ cần đun sôi một số loài có vỏ, chúng sẽ tạo ra một món súp đặc có hương vị đậm đà mà không cần muối. Hà ngỗng cũng không phải ngoại lệ. Theo những người đã có dịp thưởng thức, hà ngỗng có vị lạ, vừa giống tôm vừa giống sò nhưng ngon hơn cả hai.
Hà ngỗng ở châu Âu
Là món ăn được ưa chuộng và bán với giá cao nên hà ngỗng thường được các ngư dân ở vùng biển khai thác cẩn thận. Khi phát hiện ra hà ngỗng, các ngư dân sẽ bóc chúng một cách khéo léo, nếu để rách hà ngỗng chúng sẽ chết và không thể tiêu thụ được.
Một điểm độc đáo khác khiến hà ngỗng đắt hơn bình thường là chúng rất khó bảo quản, ngư dân thường chỉ đi khai thác nếu có đơn đặt hàng.
Cho tới nay, chưa có mô hình nuôi hà ngỗng nào thành công trừ "mẹ thiên nhiên". Ở Costa Vicentina, vùng biển tây nam Bồ Đào Nha, ngư dân có câu nói: "Đừng bao giờ quay lưng với chúa khi bạn đánh bắt "ngón tay quỷ".
Thợ lặn có tên João Rosário giải thích rằng: "Đi lặn bắt hà ngỗng mà không chú ý tới những rủi ro ở đại dương thì rất dễ bị thương hoặc tử nạn. Đã có rất nhiều trường hợp thợ lặn bị bất tỉnh và chết đuối. Người may mắn thì có thể bị thương ở tay, chân hoặc chảy máu do đá sắc cắt qua bộ đồ lặn".
Việc đánh bắt hà ngỗng rủi ro hơn nhiều so với những gì thực khách biết. Để tiếp cận hà ngỗng, thợ lặn phải bám vào những bề mặt đá ở những chỗ thủy triều rút, nơi dễ trơn trượt. Trong quá trình dùng đục gỡ hà ngỗng luôn phải để ý độ cao của các con sóng. Nếu phát hiện thời tiết bất thường cần nhanh chóng rời khỏi địa điểm nếu không muốn bị nước cuốn đi.
Tại Bồ Đào Nha, khai thác hà ngỗng cũng có chứng chỉ cấp phép, trong đó yêu cầu mỗi thợ lặn chỉ được bắt 15 kg hà ngỗng mỗi ngày và bán với mức giá 30 - 60 euro/kg dựa trên chất lượng, kích cỡ của chúng.