Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói về 'chế Quốc ca': 'Nên xử lý theo hướng giáo dục'

Thứ Ba, 03/11/2015 06:37 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Xử lý những người sai phạm là cần thiết, nhưng chúng ta cũng nên tạo cơ hội cho họ sửa chữa sai lầm. Bởi, xử  phạt thế nào, cái đích cuối cùng vẫn là việc giáo dục, nhắc nhở ý thức chung của cộng đồng về Quốc ca” - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (TTXVN) về vụ việc tập đoàn Cen Group “chế lời” Quốc ca.

Vừa qua, Công an TP. HCM đã có buổi làm việc với ông Trần Minh Long (lãnh đạo tập đoàn Cen Group), người đã “sáng tác” và bắt nhịp cho 500 nhân viên hát xuyên tạc Quốc ca trong ngày 15/10. Được biết, sau buổi làm việc, toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang công an quận Bình Thạnh (nơi diễn ra sự việc trên) để giải quyết.

Với lý do “hát cho vui”, trò đùa của ông Long và các nhân viên đã nhận về những phản ứng rất gay gắt từ dư luận, cũng như từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm này tới mức nào lại đang là cuộc tranh cãi của các luật sư, bởi một số ý kiến cho rằng tội danh xúc phạm Quốc ca trước mắt chưa được quy định trong Bộ Luật hình sự.


Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

“Nếu quả đúng như vậy, thì chúng ta cũng cần sớm bổ sung điều khoản này để bộ Luật hình sự hoàn thiện hơn” – ông Quốc nói. “Còn trước mắt, cá nhân tôi cho rằng việc xử phạt có thể tiến hành theo hướng giáo dục, giúp họ nhận biết sai lầm. Nghiêm minh với sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, nhưng chúng ta cũng nên tạo cơ hội để người vi phạm sửa sai”.

Từng rất nhiều lần lên tiếng về việc lạm dụng bản ghi âm sẵn Quốc ca (thay cho hát trực tiếp bằng lời), ĐBQH này cho biết: “Cũng có những thời điểm, sau khi dư luận phản ánh, việc hát Quốc ca tiến triển theo hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua, có vẻ như vấn đề này bắt đầu chững lại và đuối dần. Có nghĩa, đây vẫn là câu chuyện về tính nghiêm túc và ý thức công dân của mỗi người trước thói quen lười nhác, ỷ vào thiết bị kỹ thuật”.

Theo lời ông Quốc, vụ việc xảy ra không chỉ là câu chuyện về việc giáo dục ý thức của mỗi cá nhân với Quốc ca. Xa hơn, thói quen hát nhại, hát chế - vốn rất phổ biến trong cộng đồng - cũng nên từng bước được điều chỉnh dần. “Lắm khi, chúng ta chỉ cao hứng đùa cho vui nên thiếu suy nghĩ và sử dụng những lời hát rất thiếu văn hóa. Đó là chuyện không hay ho gì” - ông Quốc nói thêm.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›