Chiều 23/5, Quốc hội dự kiến thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi); trong đó, việc giữ hay bỏ trần giá vé máy bay là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Xung quanh nội dung này, phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến của các đại biểu bên lề kỳ họp.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội): Bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước
Liên quan đến giá vé máy bay nội địa, về góc độ cạnh tranh, Luật Cạnh tranh đã quy định phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc rõ ràng để bảo đảm pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá giữa các hãng hàng không.
Còn về gốc độ giá, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) lần này cần thiết giữ quy định giá trần đối với giá vé máy bay nội địa. Việc này bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước trong bối cảnh Việt Nam chưa có điều kiện lý tưởng như các nước về nhiều phương tiện giao thông.
Trong tương lai, nếu tập trung phát triển nhiều loại hình giao thông khác như đường sắt cao tốc, áp lực đối với việc di chuyển bằng hàng không giảm xuống, từ đó chia sẻ thị phần giao thông tốt hơn. Lúc này, việc bỏ trần giá sàn để bảo đảm theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay chưa có có đủ điều kiện đó.
Có thể nói, hàng không hiện có một phần "độc quyền rất tự nhiên" trong bối cảnh các loại hình giao thông khác chưa phát triển hoàn hảo.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Chưa thể bỏ hoàn toàn yếu tố độc quyền
Tại thị trường hàng không nội địa, hiện có nhiều hãng tham gia nên ở một số tuyến/đường bay có sự cạnh tranh sòng phẳng. Tuy vậy, ở một số tuyến chỉ có một hãng khai thác, muốn kêu gọi nhiều hãng cũng không được do lượng khách ít. Lúc này là yếu tố độc quyền.
Chưa kể, với đặc thù hàng không theo mùa vụ, để điều tiết cho kịp nhu cầu tăng đột biến đó không dễ dàng như các loại hàng hóa, lĩnh vực dịch vụ khác… Vậy nên, chưa thể xóa bỏ yếu tố độc quyền đối với thị trường hàng không nội địa và vẫn cần Nhà nước can thiệp thông qua quy định giá trần.
Về nguyên tắc chung, giữ quy định giá trần trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) là công cụ để Nhà nước điều tiết giá đáp ứng các tiêu chí luật định là loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Theo đó, Nhà nước chỉ can thiệp vào những trường hợp đặc thù như: có yếu tố độc quyền, khi yếu tố độc quyền làm sai lệch quan hệ cung cầu, giá cả để một vài doanh nghiệp độc quyền dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Hay yếu tố thiên tai địch họa… phá vỡ quan hệ cung cầu, lúc này Nhà nước sẽ can thiệp.
Tại Báo cáo Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc giữ quy định giá trần là cần thiết.
Bởi, cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội.
"Theo quy định hiện hành, để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, thẩm quyền điều chỉnh khung giá đã được giao cho Chính phủ. Nếu giá khung giá có thời điểm chưa phù hợp với thực tiễn thì nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa kịp thời; không phải do quy định của luật", Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Tags