Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến từ giá vẽ

Thứ Năm, 09/04/2020 07:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, giữa cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chúng ta đang được chứng kiến sự tái xuất đầy ấn tượng của những loại hình tuyên truyền tưởng như đã quá cũ kỹ. Đơn cử, vài tuần qua, nhiều người đang nhắc tới tình trạng hoạt động liên tục của những chiếc loa phường sau một thời gian tưởng như... vắng bóng.

Tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19

Tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19

Cuộc vận động sáng tác "Tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19" do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức cấp tốc từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 3 năm 2020.

Còn bây giờ là một câu chuyện khác – chuyện của những bức tranh cổ động.

Tuần trước, 70.000 bức tranh thuộc thể loại này – với 14 mẫu tranh - vừa chính thức được phân phối tại các địa phương trên toàn quốc như một người đồng hành đặc biệt: vừa tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chủ động phòng chống dịch,vừa cổ vũ, khích lệ cộng đồng trong cuộc chiến khốc liệt này.

Các mẫu tranh ấy được sáng tác trong một thời gian kỷ lục là... 5 ngày giữa tháng 3 vừa qua - theo yêu cầu của ngành văn hóa. Cấp tốc vậy, nhưng hàng chục tác giả đã lập tức tham gia cuộc vận động, để rồi từ hơn 100 tác phẩm tốt nhất, các cơ quan quản lý chọn được 14 tranh và đưa vào sử dụng trong thực tế.

Những gì đang diễn ra khiến chúng ta nhớ thời chiến, với những câu chuyện vẫn thường được kể về những bức tranh cổ động được thực hiện khẩn trương, luôn bám sát dòng chảy thời sự để khích lệ cuộc chiến chống kẻ thù.

Chú thích ảnh
Tranh cổ động

Và, chính các họa sĩ tham gia sáng tác những mẫu tranh cổ động trong mùa dịch cũng chia sẻ rất thật với báo giới rằng khác với thường lệ, họ không coi cuộc vận động vừa qua là cuộc thi có tính chất thắng - thua. Ý thức trước cộng đồng mới là những điều thôi thúc họ dồn tâm sức để cho ra đời tác phẩm của mình, trong một thời gian rất ngắn.

***

Nhìn lại, tranh cổ động bắt đầu mất dần vị thế trong đời sống của mình vào khoảng 30 năm nay. Rất nhiều người đã giải thích điều ấy bằng sự xuất hiện của các phương tiện và kĩ thuật hiện đại, cho phép tạo ra những phương thức tuyên truyền bằng hình ảnh, màu sắc, hình khối “bắt mắt” hơn, và cũng tiện ích hơn trên thực tế. Các tấm màn LCD đa năng tại đô thị là ví dụ điển hình nhất.

Nhưng, cũng phải nhắc thêm tới một lý do đặc thù khác: Chỉ trong những bối cảnh rất đặc biệt của xã hội, tranh cổ động - đặc biệt là thể loại cổ động chính trị - mới có thể phát huy hết những hiệu ứng của mình. Trong nhịp sống đời thường, giữa một biển những hình ảnh quảng cáo, giới thiệu sản phẩm lớn nhỏ - vốn có thể gặp bất cứ đâu tại các đô thị - thể loại tranh cổ động tất nhiên khó thu hút sự chú ý và rơi vào quên lãng.

Chú thích ảnh
Những thông điệp gần gũi, thiết thực được chuyển tải tới công chúng

Bởi vậy, đã có những thời điểm, tranh cổ động gần như chỉ còn xuất hiện dưới dạng các... sản phẩm lưu niệm, được bày bán cho khách du lịch nước ngoài. Và đáng nói hơn, từ yêu cầu “khái quát, cô đọng, phục vụ mọi đối tượng” của nó, có lúc tranh cổ động bị xem như một sản phẩm "chiếu dưới" trong đời sống mỹ thuật - vốn đề cao khả năng sáng tạo và cá tính của người vẽ.

Để rồi, khi tranh cổ động đang xuất hiện như một “vũ khí đặc biệt” trong trận chiến với bệnh dịch, chúng ta lại có dịp nhớ về sứ mệnh của nó, cũng như về một thực tế: hầu hết những cái tên lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam đều đã từng nhiệt tình sáng tác tranh cổ động, như một sản phẩm từ trách nhiệm và ý thức công dân của mình.

Không phải ngẫu nhiên, cố họa sĩ Trường Sinh – một trong những tác giả vẽ tranh cổ động nổi tiếng - từng nói rằng ông và đồng nghiệp luôn tham gia mọi cuộc chiến từ giá vẽ của mình.Và ông khẳng định: “Nếu có ai hỏi tranh cổ động đã kết thúc sứ mệnh của nó hay chưa, tôi sẽ trả lời: chưa bao giờ. Bởi, dân tộc Việt Nam luôn cần phải thắng trong những cuộc đấu tranh muôn hình muôn vẻ”.

Sơn Tùng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›