Liên quan đến nhân sự Đại hội IX VFF, vẻ như các ứng viên cho những chiếc ghế quan trọng ở Đại hội lần này hơi "hẻo".
Quyền Chủ tịch VFF, Trần Quốc Tuấn, trở thành ứng viên duy nhất cho chức danh Chủ tịch và điều này đã được Tổng cục TDTT chấp thuận thông qua. Trong khi đó, ghế Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn cũng chỉ còn lại ông Trần Anh Tú và Dương Nghiệp Khôi. Ở "hạng mục" Truyền thông và đối ngoại, có vẻ xôm hơn với các ông Nguyễn Quốc Hội, Cao Văn Chóng, Nguyễn Xuân Vũ và bà Nguyễn Thị Hoàng Phương. Còn mảng kinh - tài, ngoài ông Lê Văn Thành, cũng chỉ có thêm ông Nguyễn Trung Kiên ra tranh cử.
Trong khi đó, có đến 25 ứng viên vào Ban chấp hành VFF khoá IX. Trẻ có, già có, người có thâm niên trong nghề cũng có, mà tân binh cũng không phải là ít.
Không phải ai cũng có thể điểm mặt đặt tên từng vị trí ứng viên, với ngay cả giới chuyên môn. Song, ngay cả điều đó cũng bình thường, bởi phần lớn chúng ta không được cầm những lá phiếu, kiểu như toàn dân đi bầu.
Đây là chuyện riêng của VFF, với sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục TDTT và Bộ VH, TT&DL. Dù VFF vẫn là tổ chức xã hội nghề nghiệp, về lý, ai có tài, có sức thì đóng góp phi lợi nhuận, nhưng trước mỗi kỳ Đại hội, chuyện vận động hậu trường rất gắt gao.
Vấn đề không phải là ai ngồi những chiếc ghế ấy, mà họ sẽ làm gì khi được chọn. Trong buổi gặp gỡ báo chí, giới truyền thông khu vực phía Nam, cách đây không lâu, người viết đặt câu hỏi với đương kim Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông, Cao Văn Chóng, về một chiến lược hay ít nhất là kế hoạch truyền thông của VFF, vị Phó GĐ Sở VH, TT&DL Bình Dương, tỏ ra khá bối rối.
Hãy nhìn lại toàn bộ công việc của Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông khoá VIII xem sao?! Toàn bộ các công việc liên quan đến truyền thông của VFF (chưa kể đối ngoại), dường như được khoán trắng cho Phòng Thông tin & Tuyên truyền. Nó không giống như mối quan hệ khăng khít giữa Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn và Ban TTK, cũng như Phòng Tổ chức thi đấu của Liên đoàn. Ông Chóng, như đã nhắc, vẫn tiếp tục ra tranh cử vị trí này, cùng với 3 ứng viên khác.
Xét về tính chất cho chiếc ghế Phó Chủ tịch chuyên môn, với hai ứng viên, Trần Anh Tú và Dương Nghiệp Khôi, tính ra vẫn chỉ là giúp việc cho Chủ tịch. Ông Tú là người đương thời, hiện đang là Ủy viên Thường trực (phụ trách futsal), kiêm Chủ tịch HĐQT VPF, trong khi ông Dương Nghiệp Khôi dù có kiến thức và kinh nghiệm tổ chức thi đấu, nhưng dường như hơi cũ.
Có một nét mới Đại hội lần này là Ủy viên không được phép kiêm nhiệm các chức danh khác như Trưởng Ban hay Trưởng phòng. Ông Dương Văn Hiền ra ứng cử Ủy viên thì có nghĩa là ông sẽ không còn cơ hội "nắm" Ban Trọng tài (thuộc VFF) nữa.
Lại nhắc các Ủy viên VFF, đây không phải là đội ngũ trực tiếp làm bóng đá, nhưng lại có tiếng nói rất trọng lượng trong hoạch định bóng đá nước nhà.
Họ không bỏ tiền cho bóng đá (như ông bầu hay ít nhất là Chủ tịch đội bóng, TGĐ Cty CP Thể thao hay Liên đoàn thành viên), cũng không phải các HLV, càng không là cầu thủ..., song các quyết sách lại được đưa ra sau các cuộc họp Ủy viên, nghe có vẻ rất nghịch lý. Vậy có nhất thiết phải duy trì một số lượng Ủy viên đông đến mấy chục con người không?
Hỏi mà như đã trả lời!
CCKM
Tags