(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi Bộ Thông tin Truyền thông công bố việc chuyển đổi thuê bao 11 số sang 10 số thì nhiều đại lý ngưng bán, găm SIM và đang chuyển sang săn SIM số đẹp đợi đến thời điểm chuyển đổi.
- Cách chuyển đổi 21 mã mạng viễn thông của thuê bao di động 11 số
- Thuê bao di động 11 số sẽ chuyển sang 10 số từ ngày 15/9
- Viettel khuyến nghị gì với chủ thuê bao di động chưa bổ sung thông tin?
Khoảng 1 tuần nay, sau khi Bộ TT&TT công bố thời gian chính thức chuyển đổi thuê bao 11 số sang 10 số từ 15/9, trên thị trường và mạng xã hội đang bàn thảo sôi nổi về các đầu số chuyển đổi và luận số để được SIM số đẹp.
Vào google hoặc facebook tìm kiếm “mua SIM 11 số chuyển đổi” đã có hàng trăm nghìn kết quả rao bán hoặc khoe SIM 11 số hiện có, tư vấn, hỏi đáp về thời điểm mua bán SIM. Theo một đại lý kinh doan SIM thẻ, thuê bao 11 số trước đây thường được coi là SIM cỏ, SIM rác, giá rẻ nhưng kể từ khi chuyển sang 10 số kết hợp ngẫu nhiên với đầu số mới theo quy định, nhiều SIM sẽ có những dãy số trùng trở thành SIM số đẹp. Dân săn SIM cho rằng SIM mới sau khi chuyển đầu, đầu số của VinaPhone sẽ có giá hơn vì có đầu "08" là sở thích của rất nhiều người. Thông tin của Vinaphone gửi truyền thông, báo chí cũng giới thiệu đàu số 08 là dải số “đại phát”.
Khảo sát tại một số điểm kinh doanh SIM thẻ ở Hà Nội, khi hỏi mua SIM 11 số, đa số các cửa hàng đều trả lời đang tạm ngừng giao dịch. Còn liên lạc mua SIM theo địa chỉ trên mạng xã hội thì đều nhận thông tin đang đợi cập nhật giá mới. Tuy nhiên dễ nhận thấy SIM trắng 11 số đã tăng thấp nhất gấp 2 lần so với trước. Đại lý SIM thẻ trên đường Thụy Khuê cho biết: SIM viettel 11 số có giá 90.000 đồng, vinaphone hoặc mobifone có giá tầm 150.000 đồng. Tuy nhiên với những số đẹp, dễ nhớ giá tăng hơn trước rất nhiều. “Những đuôi số 666, 777, 888 hay 999 trước đây nhập vào chỉ tầm 1 triệu đồng, nay bán được 4 - 5 triệu đồng nên gặp khách vẫn bán”, nhân viên đại lý cho biết.
Tuy nhiên, đa phần các đại lý đang có xu hướng mua gom tích trữ SIM chờ khi chốt chuyển đổi số mới bán dần. Tình trạng găm SIM không phải thời gian qua mà diễn ra từ lâu nên đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng SIM không chính chủ khá phổ biến thời gian qua nên Bộ TT&TT có quy định phải cập nhật thông tin chính chủ.
Tại cuộc họp báo về công bố chuyển đổi thuê bao 11 số sang 10 số, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, không phân biệt đầu số đẹp hay xấu, mà các đầu số nằm trong kế hoạch chuyển đổi đều được coi như nhau. Bộ TT&TT và doanh nghiệp đã có thời gian bàn thảo về chọn đầu số chuyển đổi và đưa ra nhiều phương án khác nhau. Thậm chí, nếu các doanh nghiệp viễn thông không đồng nhất thì Cục sẽ tính đến phương án bốc thăm. Tuy nhiên, sau đó, các nhà mạng cũng đã đồng ý với phương án chuyển đổi mà Cục Viễn thông đề xuất và được coi là tối ưu nhất.
Việc chuyển đổi như này là cần thiết, hợp lý để đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời đại mới. Kế hoạch chuyển đổi, thống nhất các thuê bao di động về 10 số nằm trong Quy hoạch kho số viễn thông được Bộ Thông tin Truyền thông đặt ra tại Thông tư 22, ban hành năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục bị lùi thời gian và mới chỉ được công bố chính thức vào cuối tháng 5/2018.
Dù Cục Viễn thông cho biết không phân biệt đầu số đẹp hay xấu nhưng thực tế trên thị trường, do quan niệm của nhiều người về SIM số đẹp sẽ giúp thuận lợi cho làm ăn, may mắn nên những dãy số đẹp của SIM 11 số sau khi chuyển đổi sang 10 số đang tạo nên những đợt sóng ngầm mua bán và dự báo sẽ rất sôi động khi các nhà mạng công bố chính thức kế hoạch chuyển đổi.
Theo Báo Tin tức
Tags