'Đám cưới vàng' của cặp đôi nghệ thuật Lê Triều Điển - Hồng Lĩnh

Thứ Tư, 12/05/2021 07:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo dân gian, kỷ niệm 50 năm ngày cưới được gọi là đám cưới vàng. Vào lúc 10h ngày 10/5/2021 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM đã diễn ra triển lãm 50-70-80 của vợ chồng Lê Triều Điển - Hồng Lĩnh, kéo dài đến hết 19/5. Diễn giải về 3 con số này, Hồng Lĩnh cho biết: “Đó là 50 năm chung sống, là sinh nhật 70 tuổi của Hồng Lĩnh và sinh nhật 80 tuổi của Lê Triều Điển”.

Họa sĩ Lê Triều Điển: Màu châu thổ chảy trong huyết quản

Họa sĩ Lê Triều Điển: Màu châu thổ chảy trong huyết quản

Lão họa sĩ Lê Triều Điển vừa khai mạc triển lãm tại gallery Phương Mai, số 7 Phan Chu Trinh, Q.1, TP.HCM đối diện cửa Tây chợ Bến Thành. Với Lê Triều Điển, dường như tuổi cao không khiến ông ngừng sáng tạo.

Triển lãm đang bày gồm 50 tranh, 6 tượng gốm, trong đó có 2 bức tranh dài 11 mét và 10 mét, cũng đủ thấy sức làm việc đáng nể của 2 họa sĩ. Lê Triều Điển cho biết mới chỉ có gần 1/3 những gì mà họ đã sáng tác từ lúc có Covid-19 được xuất hiện ở đây.

Một năng lượng trẻ trung

Điểm chung dễ nhận ra ở triển lãm 50-70-80 là đường nét và bảng màu khỏe khoắn, tư duy tự do, biểu đạt thoải mái. Đây là điều hiếm gặp ở phần lớn các tác giả đã bước qua tuổi “cổ lai hy”, nhất là với các vật liệu “nặng nhọc” như gốm, “khó tính” như sơn dầu.

Nếu tranh thơ của Hồng Lĩnh - lúc chỉ làm thơ thì ký tên là Phạm Thị Quý - xoay quanh chủ đề hành trình thơ, thì tranh của Lê Triều Điển là hành trình sông Mê Kông. Trong hành trình đó, điều gì tích tụ, điều gì trôi đi, cái được cái mất, tự do và ràng buộc… đều được diễn đạt.

Chú thích ảnh
Lê Triều Điển - Hồng Lĩnh tại triển lãm “50-70-80”

Tác phẩm Hành trình thơ (acrylic trên toan, 110cm x 1.100cm, 2021) của Hồng Lĩnh dài đến mức tường không đủ chỗ treo, phải cuốn lại mất mấy mét. Trên nền tranh là 5 bài thơ Hành gieo hạt, Nghệ sĩ hành (1-2), Hành trìnhHành Covid từng xuất hiện trong các tập thơ trước đây của Phạm Thị Quý. Khi đặt chúng lên tranh, Hồng Lĩnh như nghiệm sinh lại quá trình làm thơ, nơi mà tâm hồn, hình tượng và ngôn ngữ đã gắn bó sâu đậm với hương vị, hành trình, tự tình của sông Mê Kông.

Còn trong tác phẩm Hành trình Mê Kông (sơn dầu trên toan, 250cm x 1.000cm, 2020), Lê Triều Điển một lần nữa lược sử đầy ngẫu hứng về các biểu tượng làm nên văn minh và văn hóa gắn liền với dòng sông này. Do từ trẻ đã gắn bó với Phật giáo Tiểu thừa, văn minh Khmer và thi ca đất Nam bộ, tranh của Lê Triều Điển luôn bàng bạc các yếu tố này, được diễn tả với tinh thần thơ mộng, phóng khoáng.

Khi hỏi bí quyết nào để ông bà giữ được một năng lượng trẻ trung và sức làm việc như vậy? Lê Triều Điển nói rằng từ triển lãm cá nhân đầu tiên tại Đà Nẵng vào năm 24 tuổi, ông đã chọn thái độ buông lỏng, không bám trụ vào bất cứ điều gì. Lê triều Điển nói: “Tôi cứ vẽ miên man vậy thôi, lúc nào cũng thấy muốn vẽ, mà chẳng cần biết vì sao mình vẽ, hoặc vẽ thế nào, hoặc vẽ để làm gì. Tôi cũng không quá quan trọng mình vẽ có lặp ý, lặp bố cục hay không, mà cứ vẽ đến khi nào thấy được là dừng, rồi vẽ bức khác. Tôi không phải là người cầm cọ theo tính toán, mà chỉ vẽ theo tình yêu với việc vẽ. Trời cho chút sức khỏe, còn tôi thì sẵn có sự vô tư, có lẽ vì vậy mà tranh trẻ trung chăng”.

Còn Hồng Lĩnh thì cho biết: “Tôi làm thơ rồi vẽ tranh là vì không biết làm gì hơn. Chắc ai trong đời cũng muốn làm một công việc nào đó gắn với niềm vui, sở thích, tôi thấy vui thích với 2 việc này, nên cứ làm năm này qua năm khác”.

Chú thích ảnh
Một góc triển lãm, với hình tượng 50 năm ngày cưới do cháu nội tặng

Mấy chục năm như hình với bóng

Lê Triều Điển - Hồng Lĩnh có với nhau 3 con trai. Họ trải qua những năm tháng khó khăn chung của đất nước giống như đa số các gia đình khác, với những lo toan, bận tâm rất thường nhật.

Lê Triều Điển xuất hiện với tư cách họa sĩ từ năm 1965 tại Đà Nẵng, rồi chuyển về miền Tây và Cần Thơ sinh sống nhiều năm, trước khi định cư tại TP.HCM mấy chục năm nay. Suốt cả nửa thế kỷ vẽ tranh, chưa bao giờ ông là họa sĩ thành công về khía cạnh thị trường. Ở khía cạnh sáng tạo, nhiều người trong giới hơi xem thường lối vẽ phóng khoáng của ông. Thế nhưng ông vẫn vui vẻ và nhẹ nhàng đi theo lối vẽ này, cho tới khoảng 10 năm gần đây thì bắt đầu được nhiều nhà sưu tập quốc tế yêu thích. Ông đã có những triển lãm cá nhân bề thế ở những địa chỉ trang trọng của thị trường nghệ thuật quốc tế.

Dù mấy chục năm sống khó khăn, thiếu thốn như vậy, nhưng Hồng Lĩnh vẫn như hình với bóng trong nhiều công việc của Lê Triều Điển. Nhiều triển lãm nhóm của anh chị em từ miền Tây lên, nhiều sự kiện mỹ thuật xa gần của CLB Mekong Art mà Lê Triều Điển làm, nếu thiếu tay Hồng Lĩnh, khó mà thành hiện thực.

Sau này, khi Lê Triều Điển được mời lưu trú sáng tác, triển lãm tại châu Âu, Australia, Thượng Hải (Trung Quốc)… ông đều đề nghị với ban tổ chức có Hồng Lĩnh đi cùng. Ở chiều ngược lại, Hồng Lĩnh cũng làm y như vậy. Đề nghị này là không dễ dàng cho phía tổ chức, mà cũng hơi bất lợi cho phía Lê Triều Điển - Hồng Lĩnh, nhưng vợ chồng vẫn muốn giữ sự keo sơn vốn có của mình, thay vì những chuyến đi riêng lẻ. Chính điều này làm cho “đám cưới vàng” của Lê Triều Điển - Hồng Lĩnh càng đáng để ngưỡng mộ.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›