(Thethaovanhoa.vn) - Nổi tiếng vì những phát biểu thẳng thắn tại nghị trường hay những nhận định tương đối khúc triết và sắc sảo trên mọi lĩnh vực văn hóa xã hội, vậy nhưng nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lại ít khi kể về bộ sưu tập lợn lên tới hàng ngàn con của mình.
Để rồi, tới tết Kỷ Hợi này, ông đồng ý “phá lệ” và đứng ra tổ chức trưng bày một phần trong đàn lợn ấy.
Từ con lợn đất đựng tiền
Trong ngôi nhà trên phố Lê Văn Hưu của ông, chúng chiếm gần hết không gian: cạnh cửa ra vào, trong tủ tường, trên nóc tủ đứng, dọc bậc cầu thang. Rồi, ngoài phòng làm việc, đàn lợn ấy tràn cả vào phòng ngủ, nhà bếp, phòng tắm… ở mọi ngóc ngách có thể.
“Gầm giường nào cũng nhét chật cứng” – ông cười – “Có con lợn to nhất làm từ vải bông, kích thước đúng bằng người tôi, cả nhà loay hoay không biết để chỗ nào. Đó là quà tặng nên cố giữ”.
Tính thử vài lần, ông Quốc cũng không thể nhớ chính xác số lượng của đàn lợn này: “Ang áng thì cũng được khoảng dăm ngàn con”. Làm bằng đủ chất liệu sành, sứ, gốm, thủy tinh, chất dẻo, hổ phách; có xuất xứ từ đủ các nước Đông, Tây, chúng bắt đầu được ông “nuôi” từ khoảng 20 năm trước.
Thời điểm ấy, khá tình cờ, khi nghiên cứu về văn hóa Hà Nội cũ, ông Quốc bỗng muốn tìm lại một con lợn đất đựng tiền - món đồ gắn liền với đám trẻ con thuộc thế hệ ông. Tìm mỏi mắt, ông cũng không kiếm được con nào – khi mà trên thị trường, lợn đựng tiền đều được sản xuất bằng thủy tinh hoặc chất dẻo. Đẹp hơn, bóng bẩy hơn, nhưng loại lợn “hiện đại” ấy vẫn không thể gợi cảm giác hoài cổ về con lợn đất nung bình dân và thô mộc trong quá khứ.
Tuổi Đinh Hợi (1947), đúng ngày sinh nhật, ông được người bạn, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, tặng một con lợn đất “xịn” còn giữ được từ xưa. Câu chuyện ấy khiến ông Quốc nghĩ ngợi nhiều. Hóa ra, những thứ tưởng rất đơn giản - thậm chí tầm thường - trong cuộc sống hàng ngày lại là những thứ rất dễ dàng mất đi.
“Công việc khiến tôi thường xuyên gặp gỡ nhiều nhà sưu tập và những bộ sưu tập. Và tôi vẫn biết rằng nền tảng của hầu hết các bảo tàng trên thế giới chính là các bộ sưu tập tư nhân” – ông nói – “Nhưng, ở tuổi ngoài 50 khi ấy, tôi cũng hiểu thêm: sưu tập chính là một cách lưu giữ ký ức, cũng như hệ thống lại tri thức và nhận thức của mình”.
Đàn lợn bắt đầu được ông “nuôi” từ dịp ấy.
Duyên lành quanh đàn lợn
Đều đặn suốt hai chục năm qua, mỗi dịp đi đâu, ông Quốc không quên lùng mua những con lợn cho mình.
Rồi, biết tính ông thích lợn, bạn hữu mỗi lần ra nước ngoài cũng kiếm loại vật này để làm quà tặng cho ông. Chưa kể, thỉnh thoảng, vài họa sĩ tạo hình lại “sáng tác” ra vài chú ỉn và gửi tới ông khi gặp.
“Tôi có người bạn hơn mình vài tuổi, vốn là một nghệ nhân về gốm. Mỗi lần làm một mẻ sản phẩm mới, tiện tay anh lại chế tác một con lợn, tìm một chỗ trống nào đó trong lò nung rồi đặt vào” – ông kể - “Sau này tới nhà, ngồi xem, anh cũng ngạc nhiên: hóa ra anh đã làm tới hơn 60 con lợn gốm tặng tôi, con nào cũng có những nét độc đáo rất riêng về cách tạo hình và màu men gốm”.
Hài hước, ông Quốc nói rằng sau nhiều năm, mình bỗng có một giác quan đặc biệt để tìm ra những chú lợn đang ở xung quanh. Có lần tới Cộng hòa Czech, ăn cơm ở nhà một người bạn, tự dưng ông bỗng cảm thấy… giật mình. Ngẩng đầu, nhìn quanh, cặp mắt ở tuổi 70 của ông vẫn kịp phát hiện ra một chú lợn nhỏ xíu rất đẹp đặt khuất sau cửa sổ. Thú vị về sự “nhạy cảm” ấy, người bạn Czech tặng luôn con lợn để ông mang về.
Rồi, ngần ấy năm sưu tập, dường như những con lợn độc đáo cũng có duyên để biết cách tự tìm đến tay ông Quốc.
Ông kể: Dạo trước, các con mình có chuyến du lịch qua Áo và tới thăm một ngôi làng cổ. Gọi về, khoe với bố rằng vừa trông thấy một con lợn nung rất đẹp, ông Quốc lắc đầu bảo con đừng mua khi nghe tới giá tiền. Rồi 3 năm sau, có dịp qua Áo và tới ngôi làng đó, ông cũng cầm về một con lợn. Tới nhà, các con ồ lên: hóa ra đó chính là con lợn định mua tặng ông.
“Đó là lợn của một nghệ nhân nổi tiếng trong làng. Mỗi năm, ông chỉ nặn một mẻ vài chục con vật: lợn, voi, sư tử, lạc đà. Mỗi loại chỉ có một con duy nhất, nghĩa là không mẻ nào giống nhau” – ông cười –“Bán đắt nhưng mặt hàng này thường hết ngay. Vậy mà run rủi thế nào, con lợn lại nằm đó suốt 3 năm để chờ tôi sang rước…”
Thậm chí, cũng vì sở thích sưu tập lợn mà ông quen thân với một người bạn quốc tế đến từ Tây Ban Nha. Đó là một đầu bếp nổi tiếng về tài chế biến thịt lợn, và cũng rất thích sưu tập những chú lợn như ông. Nhiều năm trước, tới Hà Nội trong tuần lễ Tây Ban Nha, vị đầu bếp này gặp ông Quốc và được ông tặng mấy chú lợn gốm “thuần Việt”.
“3 lần tôi sang Tây Ban Nha thì 2 lần ghé tới nhà ông chơi. Đến mới ngã ngửa: hóa ra bộ sưu tập lợn của ông bạn tôi lên tới 16.000 con, và có “hộ chiếu” gần như từ mọi quốc gia trên thế giới”.
Chiêm nghiệm từ một sở thích
Nhưng, câu chuyện về những chú lợn không chỉ dừng ở những kỉ niệm vui. Đó còn là những chiêm nghiệm khá nghiêm túc mà ông Quốc muốn chia sẻ.
Ông kể một câu chuyện vui: đợt vào Nam, biết ông Quốc thích lợn, hãng gốm sứ Minh Long cho gia công 10 con, với màu sắc, mẫu mã khác nhau rồi để ông chọn một. 9 con còn lại được họ bán ra thị trường. Áy náy vì sự cầu kỳ này, một thời gian sau, ông hỏi thì được biết: cả 9 chú lợn đều đã được bán hết, thậm chí với mức giá rất tốt. Hóa ra, nhu cầu và sự đa dạng của thị trường là bất tận, miễn là phía sản xuất có sự đầu tư và có ý tưởng rõ ràng…
Những chiêm nghiệm ấy cũng là một trong những lý do để ông Quốc muốn tổ chức trưng bày đàn lợn vào dịp tết Kỷ Hợi này. Như lời ông, ngoài việc “để cho vui”, biết đâu các khán giả nhỏ tuổi cũng có thể tìm thấy ở đó cảm hứng để bắt đầu các bộ sưu tập của mình. Đó là một trong những con đường, như lời ông, để học cách quan sát, tìm hiểu cũng như sắp xếp ký ức và tri thức của mình cho hợp lý.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Tags