Đan Mạch có Andersen, Việt Nam có Nguyễn Đổng Chi

Chủ nhật, 17/05/2015 01:10 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Sau hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi vừa diễn ra tại TP.HCM, đã có vài ý kiến ví cây bút này với nhiều tên tuổi lớn về sưu tập văn học dân gian (đặc biệt cổ tích) như Charles Perrault (Pháp), anh em Grimm (Đức), H.C.Andersen (Đan Mạch), A.N.Afanassiev (Nga)… Vậy Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) đã làm điều đó như thế nào?

PGS-TS Trần Hữu Tá khẳng định: Công trình đồ sộ, dày 2.740 trang của Nguyễn Đổng Chi (bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, 5 tập) có thể sánh ngang về công phu và giá trị với các tên tuổi lớn vừa nêu. Bộ sách được kỳ công biên soạn trong đúng một phần tư thế kỷ, từ 1958 đến 1982, nhưng quá trình nghiền ngẫm, tập hợp tư liệu đã được tiến hành trước đó cũng không dưới 20 năm.

Khi dân chúng vừa thoát mù chữ

“Công trình có những phẩm chất nổi trội: Tác giả đã sưu tầm, lọc lựa, gia công tu chỉnh và phân loại hơn 200 cốt truyện cổ tích tiêu biểu của các dân tộc trong cộng đồng Việt. Phần khảo dị dày dặn hơn nhiều: trên dưới 1.000 đơn vị truyện, nhân vật, hiện tượng hoặc mô-típ tương đồng của các dân tộc anh em và của non 40 quốc gia Âu cũng như Á. Có một mảng của công trình, dài tới 330 trang (80 trang phần thứ nhất của tập 1 và 250 trang phần cuối của tập 5), tác giả đã trình bày hết sức thuyết phục về đặc điểm truyện cổ tích Việt Nam, vấn đề phân loại và phương pháp nghiên cứu truyện cổ tích”, Trần Hữu Tá nhận định.


Học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi thời trẻ. Ảnh tư liệu

Một chi tiết cần lưu ý, đến tháng 9/1945, cả nước có hơn 95% dân số bị mù chữ (theo tài liệu về bình dân học vụ), nghĩa là văn học truyền miệng vẫn là kênh phổ biến chủ yếu. Trước 1945 chừng 10 - 15 năm, chàng trai tuổi đôi mươi Nguyễn Đổng Chi đã nghĩ đến việc sưu tập, ráp nối, nhuận sắc…, và thậm chí đồng sáng tạo, theo nghĩa phải viết thêm các đường dẫn để câu chuyện rành mạch, thống nhất hơn. Bởi văn học truyền miệng luôn phụ thuộc vào trí nhớ, cảm hứng, sức sáng tạo của người kể, còn văn học viết thì phụ thuộc vào văn bản gốc. Nói Đan Mạch có Andersen, Việt Nam có Nguyễn Đổng Chi là vì vậy, bởi chính họ đã làm văn bản gốc một cách tuyệt vời các câu chuyện vốn lưu truyền nhiều dị bản trong dân gian.

Từ năm 1934, ông đã theo anh trai lên Kon Tum nghiên cứu và cùng viết sách về tộc người Ba Na, tác phẩm Mọi Kontum (soạn chung với Nguyễn Kinh Chi, 1937) để lại dấu ấn lớn. Có lẽ cũng nhờ quá trình chung sống lý thú này mà ông quyết định dành nhiều tâm sức hơn cho việc sưu tầm văn học dân gian, dù khả năng sáng tác, nghiên cứu về sử học và văn học rất dồi dào.

Còn dấu ấn của các nhà sưu tầm với văn học dân gian, đặc biệt truyện cổ tích, vốn có nhiều người thưởng thức (già kể - trẻ nghe), thời điểm xuất hiện rất là quan trọng. Sự thành công của Charles Perrault (thế kỷ 17 - 18), Grimm (thế kỷ 18 - 19), H.C.Andersen (thế kỷ 19), A.N.Afanassiev (thế kỷ 19), Henry Pourrat (thế kỷ 19 - 20)…, bên cạnh sự tài hoa sẵn có, đó còn là thời điểm bản lề, khi văn học dân gian đang có bước chuyển. Với trường hợp Nguyễn Đổng Chi là khi dân chúng đang háo hức với chữ Quốc ngữ (chữ viết mới), háo hức với việc đọc (hành động mới), nên việc kể cổ tích bắt đầu lơ là. Nói cách khác, người dân sau khi được xóa nạn mù chữ đã chuyển từ “kể chuyện” sang “đọc truyện”, trẻ em đến với cổ tích bằng đường đọc nhiều hơn đường nghe…

Việc người dân Việt Nam sau này biết đến truyện cổ tích thông qua con đường tài hoa của Nguyễn Đổng Chi cũng chẳng khác việc dân Đức biết đến Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của nam tước Munchausen thông qua bản tiếng Anh tài hoa của Rudolf Erich Raspe (1736 - 1794). Trước khi có bản tiếng Anh, những truyện dân gian về nam tước Munchausen đã được kết tập bằng tiếng Đức, nhưng ít tạo ấn tượng, vì thiếu dấn ấn tài hoa. Bản tiếng Anh được dịch từ tiếng Đức thì có thừa sự tài hoa, nên thi sĩ Gottfried August Burger (1747 - 1794) phải dịch ngược lại tiếng Đức, từ đó làm người Đức mới thích nam tước Munchausen nhiều hơn.

“Với con số 201 cốt truyện chính, bộ sưu tập của Nguyễn Đổng Chi đã đạt tới một dung lượng truyện kể khá đồ sộ với khoảng hơn 820 truyện mà danh mục được hệ thống lại trong bảng tra cứu tên truyện đặt ở cuối sách”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế kết luận.


Bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã in 9 lần, với gần 650 ngàn bản, không kể số sách in lậu, in gian

Truyện cổ Nguyễn Đổng Chi

Đã có không ít gợi ý về việc nên đổi tên bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam thành Truyện cổ Nguyễn Đông Chi, như Truyện cổ Grimm, Truyện cổ Andersen, Truyện cổ Perrault… vì dấu ấn sáng tạo và đồng sáng tạo của Nguyễn Đổng Chi quá lớn.

“Có thể thấy ở đây có “sự ăn khớp” nhất định giữa quan điểm của người nghiên cứu với văn phong của người kể chuyện. Vì vậy, ở chừng mực nhất định, có thể gọi hơn 200 cốt truyện này là Truyện cổ tích (của) Nguyễn Đổng Chi, nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên nhận định.

“Một mặt Nguyễn Đổng Chi sưu tập tài liệu truyện cổ tích từ ngọn nguồn, với sự am hiểu kỹ càng và sâu rộng về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt. Mặt khác, ông đã vượt qua mọi trở ngại về ngôn ngữ, khoảng cách và thời gian để thu thập thêm rất nhiều cốt truyện của các dân tộc Việt Nam khác và của phương Tây, Nguyễn Thị Huế khẳng định. Cốt truyện và mô-típ cổ tích của khoảng 15 dân tộc thiểu số tại Việt Nam và gần 40 nước trên khắp thế giới được Nguyễn Đổng Chi khảo sát.

Đây là cách làm việc của Nguyễn Đổng Chi: “Tôn trọng chủ đề và kết cấu đã có của những truyện cổ tích trong đời sống truyền miệng từ xưa, chúng tôi cố gắng trình bày nguyên, không sửa chữa. Trường hợp những truyện có những địa phương kể khác nhau về chi tiết hay toàn phần, chúng tôi sẽ ghi tóm tắt ở mục khảo dị để tiện tham khảo”.

Dù là vậy, nhưng theo đánh giá của PGS-TS Trần Thị An thì: “Thành công của bộ truyện thể hiện ở chỗ vừa mang tính bao quát và phong phú lại vừa mang tính chọn lọc và đại diện; vừa mang tính hồn nhiên của một thể loại truyện truyền miệng lại vừa mang tính nghệ thuật cao của các cách kể được gọt giũa trau chuốt đã thể hiện sự vượt trội của Nguyễn Đổng Chi trong tư cách người kể chuyện dân gian”.

Khó ai được như Nguyễn Đổng Chi

So với các nhà sưu tập truyện cổ tích trước đây thì Nguyễn Đổng Chi thực sự là người có một phong cách kể chuyện riêng vì đã khiến cho nội dung truyện kể vừa mang tính truyền thống dân tộc vừa mang tính nhân loại. Phương châm kể chuyện của ông là “không đơn giản hóa, cũng không tiểu thuyết hóa” và “theo một hình thức riêng, để vẫn giữ được phong vị và không khí cổ của câu chuyện”.

TS La Mai Thi Gia (ĐH KHXH & NV TP.HCM)

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›