(Thethaovanhoa.vn) - Khi nghe tin có cuộc thi Đàn ông chất, tôi không nghĩ đến những người đàn ông nổi tiếng hay những anh chàng gallant đi xe máy phân khối lớn..., mà tôi nghĩ đến thầy - người đàn ông đi ngang qua đời tôi một cách lặng lẽ, nhưng khiến tôi mãi về sau luôn dừng lại trước những ai phảng phất hình bóng đó.
- 'Huyền thoại' Catherine Deneuve 'gây bão' với quan điểm: đàn ông có quyền 'quấy rầy'
- Hãy để đàn ông được 'chất' theo cách riêng của mình!
- Bài dự thi Đàn ông chất: Anh sẽ cố gắng!
Tôi vào đại học và trở thành một trong muôn ngàn cô nữ sinh mở to mắt trước mỗi giờ thầy lên lớp. Thuở đó, thầy đã trung niên, nhưng vẫn quá trẻ so với tuổi tác. Mà thật ra, trong mắt tôi, thầy không có tuổi.
Con người thầy gồm những mảng màu đối lập: hào hoa phong nhã với cặp kính cận tròn, dày cộp ôm lấy khuôn mặt tròn và mái tóc Elvis Phương. Thầy có một "profile" có thể lôi cuốn bất cứ cô nữ sinh mơ mộng nào: là tác giả của một bài tình ca xưa cũ mà ai cũng thuộc, là giảng viên tài hoa với giọng nói đầy sức lôi cuốn. Những giờ giảng của thầy truyền cảm hứng mạnh mẽ cho chúng tôi cho dù môn học của thầy có tiếng là khô khan.
Mãi sau tôi mới biết rằng, thực ra thầy cũng bị "dí" vào việc phải giảng dậy môn đó - hoàn toàn trái với sở trường của mình. Nhưng rất nhanh chóng, thầy biến nó thành niềm say mê. Tôi có cảm tưởng như thầy có thể say mê bất cứ thứ gì đến với thầy, không phân biệt là sang hay hèn, tốt đẹp hay bất hạnh... Ở thầy, không có thái độ khinh khi hay lảng tránh. Thầy chỉ biết yêu, có thể là như thế lắm!
Nhưng cũng cần phải nói đến những gam màu tối trong đời thầy. Trải qua một cuộc hôn nhân không suôn sẻ, chính là cuộc hôn nhân in dấu ấn trong bài hát nổi tiếng của thầy. Ai cũng thuộc nhưng chẳng ai có thể hiểu được nguyên nhân thật sự: tại thầy hay tại cô ấy? Tất nhiên, nhìn vẻ trầm buồn luôn phảng phất trên gương mặt thầy, kể cả khi đang giảng bài một cách say sưa, chúng tôi đều tin rằng, thầy không có lỗi.
Bản thân tôi không bao giờ đồng ý với cách sống của thầy - một mảng tối hoàn toàn tương phản với sự đạo mạo của thầy mỗi khi lên lớp. "Gà trống nuôi con", tất nhiên, thầy có quyền yêu. Nhưng thầy lại yêu quá nhiều. Thầy không từ chối bất kỳ ai đến với thầy, tôi tin thế, vì 4 năm học thầy, tôi chứng kiến ít nhất 4 đứa con gái xách vali tình nguyện đến ở nhà thầy, có đứa còn khoe với tôi: "Tháng sau tớ cưới thầy rồi mày ạ". Họ đến rồi đi. Tuy thế không một ai nói lời trách móc.
Thầy vẫn lên bục giảng như thế, và vẫn tận tuỵ với tất cả. Đám nam sinh không hề ghen tị với sự đào hoa của thầy, chúng theo đuôi thầy trong các hoạt động xã hội. Thầy cũng tận tuỵ với chúng, giúp đỡ những đứa mới vào nghề hoặc khi đã ra trường, thậm chí còn nuôi chúng cả cơm nước. Và cả rượu nữa. Chúng uống rượu với thầy như với bạn.
Tôi tình cờ có dự một buổi rượu chè như thế tại nhà thầy nhân ngày sinh nhật. Cuộc rượu nói đủ thứ chuyện, cả chuyện yêu đương, gái gú... linh tinh. Nhưng lạ lùng là bỗng dưng, thầy "chuyển tông" say sưa kể lại những giấc mộng thời trai trẻ của mình, với khát vọng lập thân, lập nghiệp, với niềm tin phải làm cái gì đó cho đời, nối tiếp "tráng chí" của "Kẻ sĩ Bắc Hà" thuở xưa, và đặc biệt luôn giữ phẩm cách thanh cao trong cuộc đời... Tất nhiên, thầy nói bằng cái giọng đã ngà ngà hơi men trong căn nhà sặc mùi thuốc lá, nên tôi chỉ cười ruồi. Chắc thầy cũng hiểu cái cười của tôi.
Trong thâm tâm tôi kính phục thầy, và phải nói là cũng thầm yêu, nhưng tôi không chấp nhận lối sống của thầy, bụi bặm và suồng sã quá. Lối sống của người đàn ông chán đời, hay nói đúng hơn, đang chấp nhận để tất cả những thứ tốt đẹp trong cuộc đời đã qua đi, chỉ còn là ảo vọng.
Nhưng tôi cũng không thể lý giải được tại sao thầy lại tận tuỵ và say mê như thế với công việc, với những mối tình xoay vần không đi đến đâu và cả thói tụ tập với cánh nam sinh. Thầy tử tế với tất cả.
Rồi một lần, tôi tình cờ chở thầy đi dự lễ hội hoa anh đào. Gặp thầy, một cô phóng viên truyền hình xin được phỏng vấn. Thầy từ chối. Trên đường về, thầy bảo thật tôi: thực ra thầy cũng muốn trả lời phỏng vấn, cũng muốn lên hình, nhưng thầy ngại, thầy sợ... Thầy sợ thầy sẽ không trả lời được một cách tự nhiên, trôi chảy... Rồi thầy thú thật, thầy thấy tiếc, giá như cứ nhận lời và lên hình thì đã sao nhỉ?
Tự dưng tôi nổi giận. Tôi bảo thầy là cái sự tự ti ấy đã ăn sâu bám rễ trong óc thầy rồi, nó lý giải tất cả những điều tồi tệ trong cuộc sống của thầy bây giờ. "Suy cho cùng, thầy chẳng hơn một cậu bé" - tôi nói sẵng.
Con đường đêm vắng vẻ. Thầy im lặng. Tôi muốn khóc. Tôi đề nghị thầy cầm lái cho tôi. Rồi tôi ngồi đằng sau, chủ động ôm thầy. Tôi chỉ thấy thương thầy. Chỉ tôi mới nhìn thấy sự yếu đuối và kém tự tin sâu thẳm trong con người thầy.
Nếu là bây giờ thì tôi sẽ yêu thầy. Tôi yêu người đàn ông với trái tim lãng mạn, nhưng yếu đuối, trái tim ấy đã từng bị tổn thương và mãi không lành được. Trái tim ấy vẫn tận tuỵ với cuộc sống, công việc, với tất cả mọi người, dù là học trò hay người tình. Nhưng trái tim ấy bơ vơ, lạc lõng. Càng yêu càng cô đơn. Càng đàn đúm với đám đông càng cảm thấy mình xa cách. Thầy tốt với tất cả để che giấu con người bé nhỏ và bị tổn thương của mình.
Nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ để giúp thầy mở lòng ra, bắt đầu lại từ đầu, thay vì che giấu tất cả dưới cái vỏ bọc của lòng tốt và sự tử tế. Tôi tin thầy là một trong những "Kẻ sĩ Bắc Hà" cuối cùng, đầy khát vọng, và tài hoa, nhưng vô cùng nhạy cảm và yếm thế. Còn thầy, có lẽ thầy đã quá cô đơn để có thể khóc với một ai đó về những điều dày vò cuộc sống của mình. Thầy cứ cố đóng vai một người đàn ông phong lưu, lãng tử trong khi trái tim thì dằn vặt khổ sở, chấp chới, như một câu thơ mà tình cờ tôi đọc được trong tập truyện ngắn Trung Quốc hiện đại:
"Em chỉ là con chim nhỏ, nhỏ, nhỏ
Không làm sao bay cao lên được"
Thầy đã đột ngột đi xa như không muốn chúng tôi nhìn thấy tuổi già của mình. Người đàn ông vốn rất "chất" ấy cuối cùng đã chọn một cuộc sống không "chất" tí nào. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà tôi không thể quên được trái tim bé bỏng của thầy - người đàn ông luôn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình nhưng đã thất bại.
Tôi vẫn gặp đứa bạn tôi, cái đứa từng xách vali đến nhà thầy và tuyên bố "Tháng sau tớ cưới thầy". Nó đã thành đạt và nổi tiếng trong cuộc đời và tất nhiên cũng kiếm được người đàn ông "chất" thực sự theo cách của nó. Có lần tôi hỏi nó về thầy khi cùng về dự đám giỗ thầy. "Thầy yêu tất cả chúng mình" - nó nói - "nhưng trái tim thầy lại không thuộc về thầy. Thầy đã đánh mất nó".
Hạn cuối cùng nhận bài dự thi “Đàn ông Chất” sẽ là ngày 20/1/2018. BTC sẽ công bố bài đoạt giải trên fanpage của báo Thể thao & Văn hóa và trên báo điện tử Thể thao & Văn hóa (chuyên mục: Đàn ông "chất") vào ngày 24/1/2018 và sẽ trao thưởng cho tác giả đoạt giải vào ngày 26/1/2018. Bài dự thi “Đàn ông Chất” gửi về về BTC qua địa chỉ E-mail: [email protected] kèm theo thông tin cá nhân, hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Báo Thể thao & Văn hóa (11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Tác giải các bài viết cũng có thể đăng bài của mình trên Facebook cá nhân, với hashtag #danongchat và #ngaydanong1911 và kêu gọi bạn bè, người thân cùng share và comment. Các hạng mục giải thưởng như sau: - 1 Giải Nhất: 30.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 4.000.000 đồng. - 2 Giải Nhì: mỗi giải 20.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 3.000.000 đồng. - 3 Giải Ba: mỗi giải 10.000.000 VNĐ + Voucher Giovanni trị giá 2.000.000 đồng. - 3 Giải Khuyến khích: mỗi giải: 5.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 1.000.000 đồng. |
Hương Quỳnh
Tags