(Thethaovanhoa.vn) - Tôi không nhớ mình được xem cúp bóng đá thế giới từ bao giờ. Mang máng là vào những năm 1980 thế kỉ trước. Những năm ấy, xem màn hình đen trắng, loại 14 inch. Mà cũng chỉ là những trận phát sóng lại chứ không phải truyền hình trực tiếp như giờ. Bốn năm một lần, hy vọng rồi thất vọng, yêu và ghét, ngạc nhiên và thú vị… nhưng bóng đá như một phần cuộc sống của tôi, mặc dù chỉ biết bóng đá qua nhà trường phổ thông.
Danh thủ đầu tiên được nghe tới, mà tên ông còn nhắc mãi đến hôm nay là Pele, “vua bóng đá”, cầu thủ người da đen của Brazil chứ không phải người Anh, là nơi xuất phát của bóng đá.
Hồi còn Liên Xô thì thủ môn Lev Yashin nổi danh như tầm thế giới, nhưng có nhẽ đó là thời đói thông tin nên tầm thế giới của ta cũng khiêm tốn!
Tôi nhớ đến một Beckenbauer của Đức từ lúc ông trai trẻ, tóc xanh tung hoành trên sân. Sau này Beckenbauer được tôn vinh là “hoàng đế bóng đá”. Giờ trông ông xù xì chậm chạp dù là vua nhưng không đẹp như khi còn là cầu thủ.
Nhớ một Dino Zoff bàn tay nhựa, giữ sạch khung thành đội Ý ba trận vòng đấu loại. Hình ảnh ông chắc còn gắn vào rất nhiều người của thế hệ tôi và sau này bởi một tài năng kiệt xuất hiếm thấy.
Nhớ một Gentile ra trận chỉ lao vào kéo quần xé áo đối thủ, mà đó như một chiến thuật chấy rận gây khó chịu, cốt làm cho đối phương mất bình tĩnh.
Nhớ một Zico mảnh mai nhanh như sóc, nhớ một Socrates, cầu thủ Brazil hiền từ là bác sĩ mà đá bóng giỏi cực kì. Lần đầu cho thấy cầu thủ trí thức chứ không phải là loại “ngu si tứ chi phát triển” như thành kiến của một số người với môn túc cầu.
Nhớ một Platini với những cú sút phạt kiểu “lá vàng rơi”, đường bóng nhẹ nhàng như đi vòng trăng lưỡi liềm, khiến cho thủ môn đối phương chẳng biết đường nào mà lần.
Nhớ một Maradona búng bóng bằng “Tay của Chúa” ghi bàn mà trọng tài không kịp nhận ra.
Nhớ một Ronaldo béo chạy huỳnh huỵch như một chiếc xe tăng thô kệch, nhưng ghi bàn như chớp.
Nhớ một Zidane húc đầu vào ngực một cầu thủ Ý khi anh này buông lời thô tục chửi anh trong lúc tranh hùng.
Còn nhiều ví dụ về các tên tuổi khác nữa.
Mỗi kì World Cup, người ta nhặt ra được vài tên tuổi. Mỗi khi mùa giải kết thúc là mua bán, chuyển nhượng ồn ào. Một lứa tài năng mới xuất hiện giá ngày một cao. Bây giờ trái bóng gây hôn mê sâu trong giới yêu nó thì giá cầu thủ càng cao ngất trời.
Khi tiếng còi của trọng tài nổi lên, quả bóng World Cup bắt đầu lăn thì cả thế giới nín thở. Lúc ấy chẳng có ta và địch. Những trái tim nóng hổi tất cả như một, đều tăng nhịp đập lăn theo tốc độ bóng đá.
Kì diệu thay môn thể thao túc cầu, cả thế giới nhìn theo một trái bóng tròn, yêu ghét, thán phục, bất bình , khóc và cười đều xung quanh quả bóng ấy… Qủa bóng có thể là biểu tượng sức mạnh hòa bình thân ái của một thế giới đại đồng.
Tôi theo dõi giải bóng đá cúp thế giới đều đặn trên ba mươi năm. Giải bao giờ cũng tổ chức vào những mùa hè nóng bỏng. Xem lúc ở nhà, khi trên bãi biển… Ở đâu bóng đá cũng cho cảm xúc trẻ trung và mạnh mẽ. Bây giờ vẫn vậy, tối tối vẫn thức xem đều, vẫn yêu bóng đá như bị bùa mê thuốc lú. Bởi bóng đá là của tuổi trẻ. Của sức mạnh, của sự hồn nhiên không có hận thù phân cách.
Sáng sáng đứng bên cạnh sạp báo mùa World Cup, thấy có vài tờ báo thể thao, nhưng vào mùa World Cup, hết ngày là các sạp hầu như chẳng còn tờ nào. Dân ta yêu bóng đá biết bao!
4/7/2014
Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Tags