Biết là World Cup 4 năm mới có 1 lần nên không thể bỏ lỡ những trận đấu hay, song, nhiều người vẫn thừa nhận việc xem đá bóng trong giờ làm sẽ gây ảnh hưởng khá nhiều đến công việc.
Mặc dù chỉ mới bắt đầu các trận đấu vòng bảng cách đây không lâu nhưng World Cup 2022 đã mang đến nhiều điều thú vị cho người xem. Khắp các nơi, đâu đâu cũng đều bàn luận về những bàn thắng, các cầu thủ và những trận đấu kịch tính. Đương nhiên, giới văn phòng cũng không thể đứng ngoài cuộc vui này, đặc biệt là với những ai có niềm đam mê bóng đá.
Mặc dù lịch thi đấu World Cup 2022 được nhiều người đánh giá là đẹp bởi không phải thức khuya dậy sớm để xem nhưng với dân văn phòng thì ngược lại, có những trận đấu vào lúc 5h chiều - giờ hành chính khiến họ “đứng ngồi không yên”. Bởi tùy vào nội quy, văn hóa của từng công ty sẽ cân nhắc cho nhân viên được phép xem World Cup trong giờ làm việc.
Có sếp dễ tính, được hòa mình vào không khí trận đấu ngay trong giờ làm
Nhật Hoa (SN 1998) hiện đang làm việc tại một công ty công nghệ cho biết, bản thân là một người rất mê xem bóng đá nên chắc chắn anh không thể bỏ qua các trận đấu tại World Cup 2022. Tuy nhiên, Nhật Hoa không hâm mộ đội tuyển quốc gia nào mà yêu thích CLB Manchester United nên anh có thường theo dõi những trận đấu có sự xuất hiện của các cầu thủ trong CLB.
Làm việc tại công ty công nghệ, lĩnh vực chính cũng cần phải nắm bắt xu hướng nhanh nhạy nên Nhật Hoa cùng các đồng nghiệp khá thoải mái khi xem bóng đá trong giờ làm việc. Anh chia sẻ: “Mình sẽ tan ca vào 6h tối nên nếu không vướng lịch gì, mình sẽ xem hết trận đấu khung 5h chiều sau đó mới về nhà. Giống như trận giữa Argentina và Ả Rập Xê Út vừa qua, mình cùng đồng nghiệp đã xem ngay tại công ty. Bật mí thêm, chúng mình còn sử dụng chiếc màn hình mọi người thường dùng cho các cuộc họp nhanh để xem. Do tính chất công việc là làm nội dung nên mọi người cùng nhau xem và cũng tìm cách đưa những chủ đề hot liên quan đến World Cup vào những nội dung mình làm nữa”.
Cũng theo Nhật Hoa, sếp của anh lại là một người không quan tâm nhiều đến bóng đá. Hơn nữa, sếp cũng khá dễ tính nên không phản đối việc nhân viên xem bóng đá khi chưa hết giờ làm việc. Tuy nhiên, Nhật Hoa cũng nhấn mạnh mọi người đều phải đảm bảo hoàn thành hết tất cả mọi công việc mới có thể thoải mái xem bóng đá.
Không quá thoải mái như Nhật Hoa, Quốc Anh (SN 1997) cho biết vì thời gian khá bận rộn nên tranh thủ được lúc nào sẽ xem ngay lúc đó. Đôi khi anh cũng phải xem trong giờ nếu đó là trận đấu hay, hấp dẫn.
“Mình cũng mới kịp xem một vài trận gần đây do tính chất công việc phải đi nhiều. Thường nếu xem tại văn phòng, mình sẽ sử dụng máy tính làm việc còn xem bóng đá trên điện thoại. Mình không làm việc chung phòng với sếp, hơn nữa sếp cũng hay phải ra ngoài nên gần như là không quá để tâm. Nhưng cũng có hôm sếp về và vô tình thấy nhưng cũng không trách mắng gì, thậm chí còn hỏi tỷ số bao nhiêu rồi”, Quốc Anh nói.
Xem “lén” trong giờ, sếp biết sếp buồn đấy!
Ngược lại với bên trên, nhiều công ty thường sẽ đưa ra quy định không làm việc riêng trong giờ làm việc. Do vậy nếu không được thông báo hoặc thay đổi gì trong mùa World Cup vẫn đồng nghĩa là không xem bóng đá khi chưa hết giờ làm. Dẫu vậy, vì quá đam mê, một số dân văn phòng vẫn chọn “ứng phó” bằng cách làm việc một phần hai. Tức là, họ có thể tay vẫn làm việc nhưng tai đang nghe bình luận bóng đá hoặc “chạy ra chạy vào” nhiều trang web một lúc.
Trang Phan (SN 1996) cho biết vì công việc làm chủ yếu với khách hàng nước ngoài nên giờ giấc có phần đặc biệt hơn. Các trận đấu dù 5h chiều hay 8h tối đều vẫn đang trong giờ hành chính của Trang Phan. Do vậy cô bạn cùng một số đồng nghiệp khác phải lén xem để không bị sếp biết.
“Không phải thường xuyên nhưng các trận đấu đặc biệt thích mình cũng rất muốn theo dõi. Vị trí ngồi của mình đối diện với sếp nên sếp sẽ không biết cụ thể mình đang làm gì. Khi nào xem mình chỉ cần bật 2 cửa sổ trên máy tính và đeo tai nghe là xem được rồi. Dĩ nhiên như vậy sẽ không thể hiện được cảm xúc tiếc nuối hay vui buồn như xem công khai, nhưng xem “lén” mà chấp nhận thôi”, Trang Phan nói.
Tương tự, Huy Hoàng (SN 1997) đang làm IT cũng cho biết phải sử dụng điện thoại, đeo tai nghe để xem đá bóng: “Mình theo dõi trận đấu bằng cách nghe bình luận, khi nào thấy bình luận viên hô lên rầm rộ hoặc có diễn biến gì đặc biệt mình mới tạm dừng việc để chuyển sang màn hình bóng đá xem. Thực ra không có quy định rõ ràng nhưng mình nghĩ đây vẫn sẽ tính là làm việc riêng trong giờ”.
Dẫu vậy, cả hai đều thừa nhận điều này khá ảnh hưởng đến năng suất làm việc bởi đầu óc bị phân tâm, không thể tập trung được.
“Mình nghĩ nếu sếp hỏi đến, mình sẽ giải thích rõ lý do vì sao làm vậy, chẳng hạn trận đấu kịch tính, có cầu thủ mình yêu thích,... Tuy nhiên nếu vừa làm vừa xem mình sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết xong một đầu việc do không thực sự tập trung. Nên dù sếp không biết, mình cũng sẽ không để điều này xảy ra thường xuyên”, Trang Phan nói.
Bất chấp xem World Cup rồi làm bù việc sau, nên hay không?
Đều là những người có đam mê xem bóng đá nhưng khi được hỏi có đánh đổi thức khuya dậy sớm để làm bù việc, hầu hết các bạn trẻ đều lắc đầu và rằng vẫn mê kiếm tiền hơn. Đối với Quốc Anh, anh không thích vì mải xem bóng đá một hôm rồi để lượng công việc chồng chất vào ngày hôm sau. “Lượng việc của mình hiện tại khá nhiều, nếu hôm nay không làm ngày mai sẽ phải làm gấp đôi. Chưa kể nếu làm vội vàng, khách hàng không duyệt trong ngày thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của mình. Mình nghĩ ai cũng sẽ vậy thôi, kinh tế vẫn quan trọng hơn là sở thích cá nhân chứ”, Quốc Anh nói.
Còn đối với Nhật Hoa, giờ làm việc của anh khá linh hoạt và có thể xem được gần hết các trận đấu mà không bị giảm hiệu suất làm việc. Thế nhưng, Nhật Hoa cũng cho rằng anh không hoàn toàn ủng hộ quan điểm: “Việc lúc nào làm cũng được còn World Cup 4 năm mới có một lần”. Anh cho biết nếu thực sự yêu thích bóng đá có thể dùng thời gian rảnh mà bình thường sẽ dành đi chơi với bạn bè, người yêu để xem Wolrd Cup.
Anh bày tỏ: “Mình nghĩ đâu phải xem World Cup là sẽ coi tất tần tật không bỏ sót trận nào. Mình nghĩ chọn lọc những trận hay, có thần tượng của mình để xem là được rồi. Còn công việc vẫn phải được ưu tiên trên hết. Bản thân mình cũng có những hôm bận việc quá mà cũng quên luôn ngày đó đá World Cup. Nói chung, sắp xếp thời gian biểu thế nào cho hợp lý, cân bằng và không ảnh hưởng công việc vẫn là tốt nhất”.
Tags