Từng được mệnh danh là chiếc xe huyền thoại thuộc dõng dõi quý tộc, giá trị tương đương vài chỉ vàng mới có thể sở hữu, Babetta hay còn gọi vui là " Ba bét nhè" đã trở thành ký ức của những người Việt thuộc thế hệ 8X, 9X.
Lịch sử huy hoàng về thương hiệu Babetta - "Ba bét nhè" vang bóng một thời
Chiếc xe máy có bàn đạp Babetta vốn được xem là hình ảnh lưu giữ một thời vô cùng quý giá và chỉ những nhà giàu mới có tiền mua được.
Đặc biệt, đối với những người thuộc thế hệ 8X, 9X nhớ rằng hồi đó cách đây chục năm phải chi số tiền tương đương nhiều chỉ vàng mới mới có thể sở hữu chiếc xe có 1-0-2 này.
Tiền thân của chiếc xe Babetta huyền thoại một thời.
Tuy quen thuộc như vậy nhưng ít ai biết rằng lịch sử tên gọi Babetta lại xuất phát từ cái tên của một cô gái.
Được biết, Babetta là dòng xe moped - xe máy có bàn đạp của nhà máy JAWA (có tên gọi khác là Tiệp Khắc cũ). JAWA xuất phát từ sự hợp nhất của JAWA và một nhà máy sản xuất đạn thành lập năm 1928 có tên Ceske Municne a Korodelne Zavody Brno, sau chiến tranh thế giới thứ II, năm 1948 đổi tên thành Povazska Strojarne (PS).
Babetta ban đầu ra đời để nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang các nước cùng khối như Hungaria, Bulgaria, Romania, Đông Đức vẫn dưới thương hiệu Manet.
Hai phiên bản của dòng xe này gồm loại moped bánh 23 inch và loại 16 inch. Năm 1970, nhà máy sản xuất 100 chiếc xe chỉ để chạy thử và phục vụ cho các hoạt động marketing.
Đến năm 1971, dòng xe này mới chính thức tung ra thị trường. Vào thời điểm đó, xe chưa có giảm xóc sau, nhưng đã xuất hiện hệ thống đánh lửa - một trong những yếu tố chỉ tìm thấy ở những chiếc xe ô tô.
Tuy nhiên, cái tên Manet dường như quá khó nhớ và không được sử dụng rộng rãi nên nhà máy quyết định thay bởi một cái tên khác.
Quá trình tìm kiếm một cái tên thương mại thực sự gian nan nhưng cũng khiến nhiều người phải bật cười khi tìm hiểu.
Babetta xuất phát từ bài hát rất nổi tiếng là "Babettasla do sveta" (Babetta bước vào thế giới), trong đó Babetta là tên cô gái được nhắc đến ở nội dung bài hát với hình ảnh thiếu nữ Đông Âu xinh đẹp, khỏe khoắn.
Thấy được sức ảnh hưởng của bài hát này ở thời điểm đó và mong muốn giới thiệu sản phẩm mới đến gần hơn với thị trường thế giới, JAWA đã quyết định lựa chọn cái tên Babetta làm tên gọi chính thức và đến tận bây giờ vẫn trường tồn theo thời gian.
Những chiếc xe babetta bên các thiếu nữ Đông Âu ngày trước.
Những ngày đầu sản phẩm mới xuất hiện, lượng bán hàng của Babetta vành 23 inch không được như mong đợi, buộc nhà máy phải ra đời thế hệ thứ hai sử dụng vành nhỏ hơn, chỉ 16 inch có tên Babetta 206.
Điểm thay đổi đột phá này của Babetta nhanh chóng chiếm cảm tình tại Mỹ và Đức, hơn 18.000 chiếc xe đã được bán ra tại Đức trong tổng số 60.000 chiếc đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Năm 1975, xe bổ sung hệ thống giảm xóc sau với cái tên Babetta 207. Nhưng thành công rực rỡ của chiếc moped phải kể đến năm 1976, với 100% số xe sản xuất ra đều dành cho xuất khẩu.
Một thời gian sau đó, xe được trang bị thêm đèn chiếu sáng "Green-Light", những mẫu xe ra xuất xưởng có tốc độ tối đa chỉ ở mức 40 km/h.
Năm 1983 là thời điểm đánh dấu sự đổi mới của Babetta. Với tên gọi babetta 210, xe có thiết kế hoàn toàn mới đồng thời nâng cấp động cơ với hộp số tự động 2 cấp.
Xe Babetta phiên bản 210.
Đến năm 1986, PS chuyển toàn bộ quy trình và dây chuyển sản xuất tới vùng nông thôn Kolarovo gần biên giới Hungaria.
Việc không liên lạc thường xuyên giữa nhà máy mới và cũ khiến những sản phẩm ra đời ở Kolarovo phần nào không còn được nhiều khách hàng ưa chuộng như trước, nhưng vẫn rất nhiều thế hệ chiếc Babetta ra đời ở đây, đều phát triển trên nền tảng chiếc xe phiên bản 210.
Thời kỳ khối liên kết các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, hành trình của "Ba bét nhè" cũng bị ảnh hưởng.
PS liên kết với Piaggio để ra mắt moped mới có tên Korado dựa trên nền tảng những chiếc Babetta nguyên bản.
Còn về phần mình, thương hiệu Babetta tiếp tục với mẫu 225, sau đó về tay dưới trướng của một nhà máy sản xuất xe moped ở Riga, Latvia, ra đời mẫu Babetta 134.
Dưới cơn khủng hoảng chính trị, sự xuất hiện của mẫu xe nhỏ đã bị ảnh hưởng ít nhiều đến lượng tiêu thụ. Do vậy vào năm 1997, Babetta chính thức ngừng sản xuất.
Một thời Babetta - "Ba bét nhè" xâm chiếm thị trường ở Việt Nam
Những năm 80 của thế kỷ trước, Babetta là một trong những thương hiệu xe rất phổ biến ở Việt Nam. Chỉ những gia đình khá giả, có điều kiện trong vùng hoặc có người nhà đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc mới có thể sở hữu được loại xe này.
Tuy nhiên, không phải ai đi xuất khẩu lao động cũng có thể mua được, bởi thời đó lý lịch cá nhân được lựa chọn vô cùng khắt khe, nhất là đi Tiệp lại trải qua nhiều quy trình tuyển chọn hơn nữa nên người sở hữu một chiếc Babetta lại càng tự tin và kiêu hãnh hơn.
Tuy sinh cùng thời với thương hiệu Simson nhưng không vì thế mà "Ba bét nhè" chịu thua về sự sang trọng, hấp dẫn, tinh tế trong từng chi tiết ở sản phẩm.
Những năm 1981, Babetta đã chính thức có mặt tại Việt Nam và chinh phục toàn bộ người dân trên mọi miền Tổ quốc, kể cả những ai khó tính nhất cũng phải gật gù lựa chọn một chiếc làm phương tiện đi lại.
Thời đó vẫn duy trì chế độ bao cấp, đời sống còn nhiều khó khăn nên gia đình nào sở hữu cho mình ít nhất một tài sản quý giá như vậy là niềm kiêu hãnh và ước mơ của không ít người. Có người còn sẵn sàng bán nhà mặt phố đi để sở hữu chiếc "Ba bét nhè" chỉ nhằm chạy chơi.
Do vậy, người ta đã gắn cho thương hiệu Babetta là "chiếc xe quý tộc".
Thương hiệu Babetta giờ còn tồn tại?
Tuy đắt đỏ và được ưa chuộng như thế nhưng Babetta vẫn có những hạn chế nhất định. Sau vài năm sử dụng, sản phẩm này nhanh chóng xuống cấp nhanh chóng, những lỗi thường thấy nhất là phanh kém, khó nổ, đèn, còi thường xuyên hỏng,.. Nên theo thời gian, thay vì xuất hiện trên đường phố với phong cách nhà giàu, "Ba bét nhè" dần trở thành chiếc xe chuyên chở hàng hóa ở vùng nông thôn.
Đến đầu thế kỷ 21, gần như không còn nhìn thấy bóng dáng của "Ba-bét-nhè" trên đường phố Thủ đô. Chất lượng xuống cấp đến nỗi mỗi khi xuất hiện trên đường phố, chiếc xe này là mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng cho những người xung quanh.
Năm 2006, Hà Nội đã chính thức thu hồi dòng xe Babetta và cấm toàn bộ những xe này lưu thông trên đường phố nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc.
Thời gian gần đây, Babetta lại có xu hướng xuất hiện trở lại ở vùng nông thôn, khi những chiếc xe Wave hay Dream cổ dần được định mức giá trị cao hơn, cũng là lúc giới trẻ hứng thú và có phần tự hào khi sưu tập những chiếc "Ba bét nhè" - biểu tượng đình đám một thời.
Tags