Từ mối duyên rất tình cờ, chú Thoảng, cô Tho đã nên duyên vợ chồng. 42 năm bên nhau tuy không ít khó khăn, nhưng nhờ sự đồng lòng, cô chú đã vượt qua tất cả.
Thấy cô gái ngồi rửa rau xinh quá, quyết định tán luôn
Năm 21 tuổi, chú Đồng Văn Thoảng (hiện 63 tuổi, quê ở Nam Định) khi đó đang đi lính, được dịp về nghỉ tranh thủ nên tới thăm một người bà con ở gần nhà cô Hoàng Thị Tho (hiện 62 tuổi, cùng quê Nam Định). Đang đi, chú Thoảng thấy cô Tho ngồi rửa rau nên chào xã giao: “Chào bạn ạ” và được cô đáp lời. Ấn tượng vì cô Tho xinh xắn, nói năng dễ nghe nên chú Thoảng quyết định phải “tán” cô bằng được.
Lát sau, chú Thoảng vào nhà cô Tho ngồi nói chuyện hơn 1 tiếng. Chiều hôm sau, chú lại tiếp tục đến chơi. Cô Tho lúc ấy chưa có thiện cảm với chú Thoảng. Ngồi nói chuyện, chú hỏi gì thì cô lịch sự trả lời mà thôi.
Sau đó, chủ Thoảng phải trở về đơn vị và có gửi thư cho cô Tho nhưng cô không hồi âm. Nửa tháng sau chú lại về, sang nhà cô Tho chơi. “Tôi đến thì thấy có 3 anh chàng khác ở đó, họ cũng đang tìm hiểu Tho. Tôi vẫn mạnh dạn vào ngồi nói chuyện luôn”, chú Thoảng kể.
Cô Tho ngồi ở giường, tuy chẳng tiếp chuyện ai nhưng cũng để ý từng người. Cô thấy chú Thoảng nói chuyện nghe ấm áp, lại thật thà nên có ấn tượng với chú hơn cả. Những người còn lại từ từ tạm biệt rồi ra về, riêng chú Thoảng cứ ngồi lại mãi.
Chú Thoảng là người tinh tế. Thời điểm đó, gia đình cô Tho đang đi kinh tế mới, chỉ còn mình cô ở lại quê để học. Hiểu được cô Tho đang thiếu thốn tình cảm của gia đình nên chú quan tâm, giúp đỡ cô làm việc nhà, tỉa cây cối, dọn cỏ, trồng mía, trồng khoai lang. Hành động của chú Thoảng khiến cô vui trong lòng, nghĩ rằng nếu sau này lấy được người đàn ông này thì cũng được nhờ.
Bức thư "thử lòng" và 42 năm hôn nhân yên ấm
Về được 4 ngày thì chú Thoảng lại đi. Dù rất nhớ cô nhưng chú không thể về liên tục được. Quen nhau được khoảng 3 tháng thì cô Tho dần nhận ra mình đã có tình cảm với chú Thoảng. Đúng lúc đó, gia đình cô ở miền Nam cũng muốn đưa cô vào đoàn tụ.
Nhận thấy đây là cơ hội để thử lòng người đàn ông “cầm cưa” mình bấy lâu nay, cô Tho viết cho chú Thoảng một lá thư, trong thư có nói đến việc gia đình muốn đưa cô vào miền Nam: “Nếu anh thực sự nghiêm túc thì có thể về để chúng ta bàn bạc được không?”.
Khoảng 10 ngày sau, chú Thoảng về gặp cô Tho, sau đó nói chuyện với bố mẹ. Hai bên gia đình gặp mặt và quyết định tổ chức đám cưới cho cô chú. Ngày đó điều kiện kinh tế còn khó khăn, đám cưới của chú Thoảng, cô Tho diễn ra giản dị, không hoa, không áo dài, không nhẫn cưới. Tân hôn xong, hôm sau chú Thoảng lại quay về đơn vị tiếp tục công tác, còn cô Tho sống với bố mẹ chồng.
Cuộc sống chật vật quá nên khi mang thai con đầu lòng, cô Tho vào miền Nam với bố mẹ một thời gian. Vài tháng sau cô mới trở lại quê nhà để đoàn tụ với chồng. Hai con một trai, một gái lần lượt ra đời. Nhờ chịu thương, chịu khó nên cuộc sống của cô chú phần nào bớt nhọc nhằn.
Năm 2000, cả gia đình vào sinh sống tại Cà Mau. Giờ đây, các con của chú Thoảng, cô Tho đều đã trưởng thành, làm giáo viên và có gia đình riêng.
42 năm bên nhau, nhờ có sự đồng lòng nên chú Thoảng, cô Tho đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Giờ đây, chú Thoảng luôn cố gắng chăm sóc thật tốt cho bà xã, để bù đắp lại những thiệt thòi của cô suốt bao nhiêu năm qua. Không có mong ước gì lớn lao, cả chú và cô đều hy vọng, cả hai sẽ sống bên nhau thật vui vẻ và hạnh phúc suốt quãng đời còn lại.
Nguồn: Tình trăm năm
Tags